Cùng suy ngẫm

Giảm ùn tắc giao thông dịp cuối năm

Dịp cuối năm, lưu lượng người và hàng hóa dồn về Thủ đô khiến hạ tầng giao thông quá tải. Tắc đường, kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Theo khảo sát của phóng viên, tại một số tuyến đường hướng tâm vào nội đô, đường vành đai, tình trạng ùn tắc xảy ra phổ biến, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Tây Sơn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Kim Mã, Giải Phóng... thường chỉ ùn tắc xảy ra vào giờ cao điểm, thì những ngày này có thể tắc bất kỳ giờ nào. Tương tự, đường Đại Cồ Việt, ngã năm Ô Chợ Dừa, ùn tắc kéo dài liên tục xảy ra hàng giờ do các tuyến đường Khâm Thiên, Đê La Thành, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn có lượng người, phương tiện tham gia giao thông quá đông vào một thời điểm. Thậm chí, tại đoạn ngã tư Giải Phóng-Đại Cồ Việt, Tôn Thất Thuyết (đoạn gần bến xe Mỹ Đình), trong khung giờ cao điểm người tham gia giao thông phải chờ cả chục nhịp đèn mới có thể thoát tắc đường.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông gia tăng song chủ yếu là do lượng phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh, nhưng hạ tầng không theo kịp, dẫn đến quá tải. Mặt khác, nhiều công trình thi công bị kéo dài thời gian, gây thu hẹp lòng đường cũng là nguyên nhân gây ùn tắc cục bộ. Thêm vào đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chở hàng cồng kềnh...

Tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố, vẫn còn nạn xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình, đi sai luồng tuyến vận tải, dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của những phương tiện kế bên.

Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, dẫn tới tình trạng các loại xe thi nhau “điền vào chỗ trống” mạnh ai nấy đi, không theo hàng lối... Rồi cả vỉa hè cũng là chỗ để người tham gia giao thông “luồn lách” gây ùn tắc. Tiếp đó là tính chủ quan, “tới đâu hay tới đó”, thiếu tôn trọng và không nhường nhịn nhau của người tham gia giao thông, khiến bức tranh giao thông ngày càng trở nên phức tạp.

Ngày 5/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 1300/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Vì vậy các cơ quan chức năng cần triển khai, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tập trung xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn, chạy xe quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, dừng, đỗ trái phép, quay đầu xe, tránh, vượt không đúng quy định...

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị, cơ quan có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Tết, không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc và tăng giá vé trái quy định... Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chủ động có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, ùn tắc; rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở cao và tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường do địa phương quản lý...

Mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành luật, thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định... Về phía các đơn vị liên quan cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào thành phố.