Tăng cường kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường

Theo dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán luôn có xu hướng tăng. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát và điều tiết giá cả hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường, phục vụ người dân vui xuân, đón Tết.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra hàng hóa tại một cơ sở kinh doanh. (Ảnh MINH TRANG)
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra hàng hóa tại một cơ sở kinh doanh. (Ảnh MINH TRANG)

Qua tìm hiểu thị trường các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích khá dồi dào. Nhiều đơn vị đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nhất là đối với những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao, để kích cầu sức mua như: Gạo, nước giặt, dầu gội đầu, sữa tắm, dầu ăn, nước mắm, sữa tươi, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả... góp phần bình ổn giá và kiểm soát lạm phát.

Đơn cử như hệ thống cửa hàng của siêu thị Winmart vẫn cơ bản giữ ổn định giá bán, đồng thời liên tục bổ sung nguồn hàng và triển khai các hình thức khuyến mãi, giảm giá để tăng sức mua.

Tại các chợ truyền thống, các loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cũng được bày bán dồi dào với giá cả có xu hướng tăng nhẹ. Giá rau muống vẫn ở mức 10.000 đồng/mớ, rau cải 8.000 đồng/kg, thịt bò loại ngon 250.000-300.000 đồng/kg, giá trứng gà, vịt vẫn lần lượt ở mức 32.000-35.000 đồng/chục.

Các mặt hàng gạo cũng hầu như giữ nguyên giá bán, trong đó, gạo tám Hải Hậu, tám Điện Biên ở mức 20.000 đồng/kg... Chị Thu Hà, kinh doanh bán hàng đồ khô tại chợ Đồng Xa, Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, khi đẩy giá lên các tiểu thương đều lấy lý do giá xăng, giá điện đắt đỏ khiến mọi chi phí tăng theo. Trong khi đó, lúc giá xăng giảm, người bán hàng lại lấy lý do do thời tiết, chi phí phân phối chưa giảm nên từ mớ rau, cân thịt vẫn đứng ở mức cao.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, tâm lý lo lắng của người dân là có cơ sở, tuy nhiên thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào gạo, thịt lợn, thủy, hải sản...

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm sức mua của người dân tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Dự báo khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 trên địa bàn thành phố tăng, ước tính tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023).

Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân Hà Nội, đến nay, việc chuẩn bị nguồn hàng Tết đã được các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai tích cực với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo đảm bình ổn giá thị trường.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường...

Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2023 và chương trình dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai để chủ động về hàng hóa, ổn định giá cả để góp phần bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 419/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm.

Theo đó, trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; giá xăng dầu trên thị trường thế giới có thể biến động đảo chiều tăng giá vào cuối năm; giá cả các mặt hàng thiết yếu thường có biến động vào cuối năm do nhu cầu tiêu dùng thường tăng theo quy luật.

Để chủ động trong công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới; cập nhật tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời cảnh báo các nguy cơ và đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước...

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Các đơn vị chức năng cần thực hiện đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá, khi hàng hóa có biến động bất thường…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những tháng cuối năm, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao; biến động, chênh lệch giá hàng hóa giữa các khu vực, vùng miền trong nước còn lớn; nhất là xuất hiện sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm.

Vì vậy, để kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường, cùng với việc thực hiện nghiêm những văn bản, chỉ thị của Chính phủ và Bộ Công thương, ngành chức năng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2023.

Các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, nước giải khát, các mặt hàng thực phẩm tươi sống...; phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác phòng chống buôn lậu qua biên giới, nhất là với các mặt hàng gia súc, gia cầm và các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.