Giảm tầng nấc trung gian - tinh gọn bộ máy: Thời cơ không thể chậm trễ

Nhận thức rõ vai trò cốt lõi của việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị, Ðảng ta đã xác định rõ quan điểm, giảm tầng nấc trung gian, tối ưu hóa cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan công quyền là một nhiệm vụ chiến lược, mang tính đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)

Việc tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm giảm gánh nặng chi phí mà còn hướng tới mục tiêu quan trọng hơn là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị. Ðiều này không chỉ tạo ra bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho nhân dân mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, phát huy vai trò của từng cá nhân và tổ chức trong hệ thống chính trị.

Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên" với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, và những xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra.

Trong kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, Ðảng ta nhận thức rõ rằng, một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc không chỉ làm giảm tính linh hoạt trong quản lý mà còn tạo ra nguy cơ lãng phí nguồn lực, giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước.

Việc tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm giảm gánh nặng chi phí mà còn hướng tới mục tiêu quan trọng hơn là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị. Ðiều này không chỉ tạo ra bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho nhân dân mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, phát huy vai trò của từng cá nhân và tổ chức trong hệ thống chính trị.

Chủ trương sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc không có tính nhất thời, đây là sự kế thừa, phát huy từ những di sản trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng ta, là bước đi chiến lược, là lựa chọn hàng đầu thúc đẩy phát triển bền vững, tự lực, tự cường của dân tộc.

Tinh thần gấp rút thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sự nhất quán bắt đầu bằng việc tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định nhiệm vụ: Tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Ðảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "Bộ tổng tham mưu", là đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.

Không để bộ máy trở thành "lực cản" đối với sự phát triển

Một bộ máy nhiều tầng nấc trung gian thường dẫn đến tình trạng quan liêu, chậm trễ trong việc xử lý công việc, tạo nên gánh nặng không cần thiết đối với nguồn lực quốc gia. Các tầng nấc trung gian khiến thông tin bị trì hoãn hoặc méo mó khi truyền đạt, dẫn đến những quyết định quản lý thiếu chính xác, không kịp thời, không sát với thực tiễn.

Yêu cầu tinh gọn bộ máy không chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng nhân sự hay đơn vị hành chính mà còn nhấn mạnh vào việc tối ưu hóa chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, sắp xếp theo hướng hợp nhất, xóa bỏ những chức năng chồng chéo để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý. Ðồng thời, áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các khâu trung gian truyền thống, tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa các cấp lãnh đạo và người dân. Ðây là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, nơi mà sự nhanh chóng, chính xác và minh bạch đóng vai trò quan trọng trong quản lý và điều hành.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực thi tinh gọn bộ máy còn nhằm tiết kiệm nguồn lực và nâng cao tính bền vững trong quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, giúp tập trung nguồn lực vào những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên phát triển các lĩnh vực then chốt và giảm thiểu chi phí quản lý không cần thiết. Ngân sách tiết kiệm được từ việc tinh giản có thể được đầu tư vào các dự án công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Một mục tiêu quan trọng khác là nhằm xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiện đại và gần gũi với Nhân dân qua việc áp dụng các công cụ công nghệ để cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công. Các nền tảng số, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ việc quản lý, ra quyết định và cung cấp dịch vụ hành chính công nhanh chóng, chính xác.

Ðiều này không chỉ làm giảm sự phức tạp trong các thủ tục hành chính mà còn tăng cường tính minh bạch, hạn chế tình trạng tham nhũng, lạm quyền và những bất cập khác trong quản lý nhà nước. Khi bộ máy vận hành hiệu quả, minh bạch, niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị sẽ được củng cố, tạo ra sự đồng thuận xã hội và động lực cho sự phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh: "Không để cơ quan nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém", do đó việc tinh giản bộ máy phải chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên nghiệp, tận tâm, dám đảm đương nhiệm vụ, dám gánh vác trách nhiệm, có ý thức cống hiến, khả năng hoàn thành các công việc thực tiễn, đặc biệt có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp.

Giảm tầng nấc trung gian - tinh gọn bộ máy: thời cơ không thể chậm trễ

Công cuộc tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian đã và đang được triển khai rộng khắp từ Trung ương đến địa phương với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị, chương trình hành động cụ thể nhằm sắp xếp lại các cơ quan hành chính, giảm thiểu sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ và tinh giản biên chế.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn gần đây, hàng trăm đơn vị hành chính cấp xã và hàng chục cơ quan cấp sở đã được sáp nhập, hợp nhất. Theo đó, giai đoạn 2019-2021 đã thực hiện sáp nhập 21 đơn vị cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố (giảm 8 đơn vị cấp huyện) và sáp nhập 1.056 đơn vị cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố (giảm 561 đơn vị cấp xã). Một số tỉnh, thành phố đã chủ động thí điểm mô hình tổ chức mới, kết hợp các phòng ban có chức năng tương đồng để giảm tầng nấc trung gian, cải thiện hiệu quả hoạt động.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước cũng được đẩy mạnh, nhiều cơ quan, tổ chức đã triển khai các hệ thống quản lý hành chính trực tuyến, ứng dụng dữ liệu lớn để tăng cường hiệu quả ra quyết định, từ đó giảm bớt áp lực cho bộ máy, đặc biệt là bộ máy hành chính. Thí dụ, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mà không cần đến trực tiếp cơ quan công quyền, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực trạng triển khai giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn bộ máy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Một trong những vấn đề nổi bật là sự thiếu đồng bộ và thiếu nhất quán trong quá trình thực hiện. Ở một số địa phương, việc sáp nhập các cơ quan hoặc đơn vị hành chính chưa được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, dẫn đến tình trạng quá tải công việc hoặc khó khăn trong việc điều phối.

Ðến nay vẫn còn 35/45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp của địa phương. Mặc dù số lượng đơn vị hành chính được giảm, nhưng chức năng, nhiệm vụ lại không được tinh giản tương ứng, dẫn đến nguy cơ dồn ép công việc lên đội ngũ cán bộ, công chức, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công.

Ngoài ra, tâm lý e ngại thay đổi và bảo vệ lợi ích cục bộ cũng là rào cản lớn đối với việc tinh gọn bộ máy. Một số cơ quan, tổ chức không muốn cắt giảm hoặc sáp nhập vì lo ngại mất đi quyền lực, lợi ích hoặc vị trí hiện có. Ðiều này khiến quá trình triển khai gặp phải sự trì trệ từ chính nội bộ, làm chậm tiến độ thực hiện và giảm hiệu quả của các chính sách cải cách.

Về mặt nhân lực, việc tinh giản biên chế cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Một số địa phương tiến hành cắt giảm nhưng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Hệ quả là, mặc dù số lượng biên chế giảm, nhưng năng lực hoạt động của bộ máy không được cải thiện, thậm chí có nơi còn giảm sút. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân sự sau khi sắp xếp lại bộ máy, dẫn đến việc nhiều cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc trong môi trường mới.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin dù được triển khai mạnh mẽ nhưng chưa đồng đều trên toàn quốc. Nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa có đủ hạ tầng công nghệ để áp dụng các giải pháp quản lý hiện đại. Ðiều này dẫn đến tình trạng chênh lệch lớn về hiệu quả cải cách hành chính giữa các vùng miền, làm giảm tác động tích cực của việc giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn bộ máy ở quy mô quốc gia.

Ngoài những hạn chế nội tại, việc triển khai giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn bộ máy cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan. Cụ thể, sự phức tạp của hệ thống pháp luật hiện nay khiến việc sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính gặp khó khăn trong khâu thực thi. Nhiều quy định pháp lý còn chồng chéo, thiếu rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, dẫn đến tình trạng lúng túng trong quá trình triển khai.

Ðể khắc phục những vấn đề trên, cần có các giải pháp toàn diện và đồng bộ hơn trong thời gian tới. Trước hết, cần đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, đảm bảo sự thống nhất và minh bạch trong việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành. Ðiều này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn bộ máy một cách hiệu quả.

Tiếp theo, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, đặc biệt là ở các địa phương khó khăn về hạ tầng. Việc đầu tư vào các nền tảng số, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và triển khai các hệ thống quản lý hiện đại sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các khâu trung gian, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.

Ngoài ra, cần chú trọng hơn vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thông qua đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Cần có chính sách tuyển dụng minh bạch, công bằng, đảm bảo rằng những người làm việc trong bộ máy hành chính đều có đủ năng lực, đạo đức và tinh thần trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu công việc.

Cuối cùng, cần tạo sự đồng thuận và ủng hộ từ các bên liên quan, đặc biệt là sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Việc cải cách bộ máy hành chính phải lấy lợi ích của Nhân dân làm trung tâm, tất cả vì Nhân dân, từ đó tạo sự tin tưởng và ủng hộ để quá trình triển khai diễn ra thuận lợi hơn.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả

Giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn bộ máy là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Ðảng và Nhà nước xác định là giải pháp chiến lược nhằm xây dựng một nền hành chính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thực sự, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Một trong những bước đầu tiên và quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là đối với bộ máy hành chính. Cần xây dựng các văn bản pháp lý rõ ràng, minh bạch, bảo đảm sự phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp, các ngành một cách khoa học, hợp lý. Ðồng thời, loại bỏ các quy định chồng chéo, không còn phù hợp để giảm bớt gánh nặng hành chính.

Các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các chính sách cụ thể về sắp xếp lại bộ máy, trong đó nhấn mạnh vào việc giảm bớt các đơn vị trung gian, hợp nhất các phòng, ban có chức năng tương đồng và loại bỏ những vị trí, đơn vị không còn cần thiết.

Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc và cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, cần triển khai đồng bộ các hệ thống quản lý trực tuyến, từ hệ thống văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật...

Ðặc biệt, xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian trong quá trình ra quyết định. Ngoài ra, cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ ở các địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa, để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong triển khai các giải pháp công nghệ.

Ba là, đẩy mạnh tái cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính

Tái cơ cấu tổ chức là bước đi cần thiết để giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn bộ máy hành chính. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để xác định những khâu có thể tinh giản. Việc hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc loại bỏ các phòng, ban không còn phù hợp sẽ giúp bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả hơn.

Cùng với đó, cần thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền, chuyển giao những công việc không cần thiết từ trung ương xuống địa phương hoặc từ cấp cao xuống cấp thấp. Ðiều này sẽ giúp giảm bớt khối lượng công việc tại các cấp trung gian, đồng thời tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Cần đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá và đào tạo cán bộ, đảm bảo lựa chọn những người thật sự có năng lực, phẩm chất để đảm nhiệm các vị trí quan trọng. Ðồng thời, cần xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả công việc minh bạch, gắn kết quả công việc với chế độ đãi ngộ, nhằm khuyến khích tinh thần làm việc và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng quản lý, công nghệ và chuyên môn là điều cần thiết để cán bộ, công chức có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong bối cảnh mới.

Năm là, tạo sự đồng thuận và hỗ trợ từ xã hội

Việc truyền thông đầy đủ, minh bạch về mục tiêu, ý nghĩa và lợi ích của quá trình tinh gọn bộ máy sẽ giúp tạo niềm tin và sự ủng hộ từ xã hội, từ tất cả các bên liên quan, bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, cần thiết lập các cơ chế phản hồi, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để kịp thời điều chỉnh các chính sách, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả cao nhất.

Sáu là, đánh giá và cải tiến liên tục

Cuối cùng, việc giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn bộ máy cần được xem như một quá trình liên tục, đòi hỏi sự giám sát, đánh giá và cải tiến không ngừng. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần thường xuyên rà soát kết quả triển khai, phân tích các điểm mạnh, yếu để rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp cải thiện.

Ngoài ra, việc thiết lập các tiêu chí đo lường hiệu quả cụ thể cũng là yếu tố quan trọng để bảo đảm rằng các cải cách đạt được mục tiêu đề ra. Ðiều này bao gồm việc theo dõi các chỉ số về thời gian xử lý công việc, mức độ hài lòng của người dân, chi phí vận hành và hiệu quả kinh tế-xã hội mà cải cách mang lại.

Giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn bộ máy là bước đi mang tính chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên đổi mới và hội nhập. Ðây không chỉ là nhiệm vụ đặc biệt, không thể chậm trễ hơn được nữa mà còn là chìa khóa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững, và khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ðể thực hiện thành công, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội và quyết tâm vượt qua thách thức. Một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả không chỉ là biểu tượng của sự tiến bộ mà còn là tiền đề để dân tộc vươn mình mạnh mẽ, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong tương lai không xa.