Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tinh gọn bộ máy là giải pháp được nhiều nhà khoa học hiến kế để giúp Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện rõ vị thế, vai trò của mình khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tinh gọn bộ máy, đồng nghĩa với cải cách hành chính cũng là giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế mà thành phố đang gặp phải hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức.
Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức.

Chủ động tinh gọn bộ máy

Theo ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, không phải đợi có chỉ đạo từ Trung ương, thời gian qua Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sắp tới, thành phố sẽ ra mắt Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Thành phố cũng đã phê duyệt Đề án xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 để phụng sự người dân và kiến tạo phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định, chuyển đổi số là công tác quan trọng trong quản lý, tinh gọn bộ máy. Do vậy, thành phố vận dụng tối đa các nghị quyết của Trung ương về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát với thực tế, giải quyết kịp thời, nhanh hơn cho người dân thì giao cho cấp đó phân cấp, ủy quyền. Việc đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, góp phần giảm số lượng người làm việc được giao, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước sang từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định, đề cao trách nhiệm các cấp có thẩm quyền, xem xét trên cơ sở, tiêu chuẩn, kết quả công việc; xây dựng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua quá trình sắp xếp, toàn thành phố đã giảm được 129 đầu mối. Trong đó các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy sau sắp xếp hiện có 6 cơ quan; tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành ủy giảm 15 phòng, hiện còn 32 phòng. Đảng bộ quận, huyện, cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy giảm 9 đảng bộ, hiện có 52 đảng bộ. Các cơ quan chính quyền đã hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố giảm 6 cơ quan, hiện có 20 cơ quan; các cơ quan hành chính khác giảm 4, hiện có 11 cơ quan. Các đơn vị hành chính cấp huyện giảm 2, hiện có 22 đơn vị; cấp xã giảm 10, hiện có 312 phường, xã, thị trấn và sắp tới sẽ tiếp tục giảm 39 phường, xã. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện giảm 71 phòng, hiện có 265 phòng chuyên môn. Các cơ quan quản lý nhà nước khác (các ban quản lý dự án) giảm 3 ban thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và 9 ban thuộc sở, ngành thành phố. Qua sắp xếp, tổ chức bộ máy đã từng bước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Nhiều đề xuất tâm huyết

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần có một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Thành phố cần đặt mục tiêu giảm số lượng cán bộ, công chức còn khoảng 25% so với hiện tại.

Giải pháp mà bà Hiền đề xuất là, thành phố duy trì Hội đồng nhân dân cấp thành phố, nghiên cứu giải thể Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Chức năng giám sát chính quyền địa phương sẽ giao cho đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng quận, huyện thực hiện. Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương hợp nhất các ban, sở, ngành tương ứng với cấp Trung ương, Chính phủ. Các quận, huyện cần sự sắp xếp tương ứng với cấp thành phố và phường, xã tương ứng với quận, huyện.

Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thành phố Hồ Chí Minh, muốn tinh gọn bộ máy, thành phố phải vạch rõ Nhà nước có thể làm gì, tư nhân làm gì. Quan trọng nhất là nên trao quyền mạnh hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ quan cần xác định được Nhà nước từ Trung ương đến địa phương nên làm gì và không nên làm gì; những việc không làm có thể giao đơn vị sự nghiệp công lập bán công hoặc tư nhân thực hiện.

Ông Vũ nhấn mạnh, muốn tinh, gọn thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Thành phố có thể hoàn toàn thúc đẩy những mô hình chuyển đổi số mạnh mẽ; tiến tới mục tiêu đến năm 2030, dịch vụ công, tương tác giữa chính quyền, người dân được thực hiện trên nền tảng số.

Trong tuyển chọn người tài, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Phương Duy, nguyên Phó Hiệu trưởng Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đổi mới bằng cách thí điểm tuyển chọn lãnh đạo giám đốc sở trở xuống. Nếu được có thể xem xét mở rộng, cho cạnh tranh thi tuyển chức danh giám đốc sở và chỉ bổ nhiệm giám đốc sở, còn các phó giám đốc sẽ do giám đốc lựa chọn. Hoặc chỉ bổ nhiệm cấp trưởng, còn cấp phó do cấp trưởng lựa chọn. Khi có một êkíp làm việc như thế thì mới có sự nhất quán, thông suốt trong chỉ đạo của một cơ quan, đơn vị.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, để tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, Thành phố Hồ Chí Minh cần có cuộc cách mạng chuyển dịch cung cấp dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội sang đơn vị sự nghiệp công lập. Việc này giúp giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, để các đơn vị tập trung làm công tác quản lý nhà nước, tập trung làm công tác tham mưu. Các đơn vị sự nghiệp công lập được giao làm dịch vụ công sẽ tạo sự năng động, nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị. Để làm được, cần có cơ chế giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ, tạo sự cạnh tranh trên thị trường ■