Giám sát việc hỗ trợ người lao động khó khăn bởi dịch Covid-19

NDO -

Ngày 10/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành hướng dẫn số 70/HD-MTTW-BTT, hướng dẫn việc phối hợp giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà những người lao động gặp khó khăn bởi đại dịch tại phường 17, quận Phú Nhuận.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà những người lao động gặp khó khăn bởi đại dịch tại phường 17, quận Phú Nhuận.

Trong hướng dẫn này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức việc giám sát đi đôi với đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng yêu cầu Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp động viên, khuyến khích giám sát trực tiếp của người dân ở cộng đồng dân cư trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ; nêu cao trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận, phát huy vai trò chủ trì, phối hợp của MTTQ Việt Nam với các tổ chức tổ chức chính trị - xã hội, các thành viên của Mặt trận để triển khai hiệu quả công tác giám sát.

Công tác giám sát phải bảo đảm tính khách quan, công tâm, trách nhiệm; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, không công khai minh bạch và các biểu hiện lợi dụng, trục lợi chính sách.

Đặc biệt, trong quá trình giám sát, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải linh hoạt lựa chọn các hình thức giám sát phù hợp tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của địa phương, đơn vị.

Theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, có 11 nội dung Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát, gồm:

Giám sát việc triển khai chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Giám sát việc triển khai hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác (nếu có).

Thời gian giám sát từ ngày 15/8/2021 đến ngày 30/6/2022. Căn cứ vào thời gian, tiến độ triển khai hỗ trợ cho các đối tượng được hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan chủ trì giám sát xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát phù hợp.

Để tổ chức thực hiện, ở Trung ương, cùng việc ban hành hướng dẫn việc phối hợp giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kịp thời cung cấp thông tin về việc triển khai chính sách hỗ trợ để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức giám sát tại các cơ quan Trung ương thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (giám sát tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…); chủ trì, phối hợp tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra công tác giám sát ở 3 địa phương (dự kiến tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước).

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị hướng dẫn, chỉ đạo và đôn đốc các cấp hội ở địa phương triển khai giám sát; có văn bản hướng dẫn các cấp trong hệ thống phối hợp chặt chẽ với MTTQ cùng cấp triển khai nhiệm vụ.

Các tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ chủ trì tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra công tác giám sát ở các địa phương; tham gia các đoàn giám sát tại các cơ quan Trung ương thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì.

Đối với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, chủ trì, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương báo cáo Thường trực cấp ủy và xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nội dung giám sát, chủ trì đoàn giám sát cho các tổ chức chính trị xã hội để tổ chức giám sát phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức.

Trong hướng dẫn này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý, đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì tập trung phối hợp các cơ quan chức năng của địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì triển khai công tác giám sát theo nội dung Hướng dẫn.

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19