Giám sát thực hiện chính sách phòng, tránh thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu

TTXVN - Sáng 25-4, tại Hà Nội, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách về phòng, tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam dẫn đầu đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam tương đối rõ nét trong 50 năm qua và nhất là trong thời gian gần đây với tần suất xuất hiện thiên tai và thời tiết cực đoan ngày càng tăng. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hơn 300 văn bản quan trọng, trong đó có 19 văn bản của Chính phủ, hơn 60 văn bản của Thủ tướng Chính phủ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới biến đổi khí hậu. Trong hai năm 2015-2016, diễn biến thời tiết rất cực đoan, vì vậy các bộ, ngành liên quan chưa chủ động có những tính toán để đưa các giải pháp ứng phó kịp thời. Cùng với đó, việc thực hiện chính sách, giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, dù hệ thống chính sách, giải pháp là rất nhiều; sự điều chỉnh các kế hoạch, kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu còn chậm.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Thích ứng với biến đổi khí hậu là nội dung vừa cấp bách vừa lâu dài. Cả nước đang chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu; quý I năm 2016 lần đầu tăng trưởng nông nghiệp bị âm, một phần do tác động của biến đổi khí hậu. Để ứng phó với biến đổi khí hậu thành công, cần thay đổi hành vi trên nhiều lĩnh vực, trước hết cần quyết liệt tiết kiệm sử dụng nước cả trong sản xuất và tiêu dùng. Với nông nghiệp, phải có cuộc cách mạng mạnh mẽ, chuyển từ nền nông nghiệp dùng nhiều nước sang nền nông nghiệp dùng ít nước; không coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn, không mất tiền, thay vào đó phải coi nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, mất tiền. Chuyển trồng trọt nước ngọt là chủ yếu sang cả trồng trọt nước lợ và nước mặn; nên có khuyến cáo 10 hành vi cần thay đổi của người tiêu dùng khi sử dụng nước; nghiên cứu đến việc tái sử dụng nước. Đặc biệt, phải có giải pháp đồng bộ về quản lý nước ở ba cấp là quốc gia, vùng và hộ gia đình.