Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Sóc Trăng tiếp và làm việc với đoàn.
Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 4.773 tỷ đồng với 154.856 khách hàng, đạt tỷ lệ 46% số hộ dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Các chương trình tín dụng chính sách được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.
Dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần thực hiện chương trình đạt 3.585 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ; vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã là 18,38 tiêu chí/xã; có 16 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Quang cảnh buổi giám sát của đoàn Trung ương |
Hiện, dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện Chương trình đạt 2.428 tỷ đồng, chiếm 50,87% tổng dư nợ với hơn 82 nghìn hộ còn dư nợ.
Đến 30/9, dư nợ cho vay đạt 1.337 tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ với 45.189 khách hàng. Trong đó, dư nợ đối với khách hàng là hộ dân tộc thiểu số là 740 tỷ đồng với 27.035 khách hàng, chiếm 15,5% tổng dư nợ; dư nợ bình quân 1 hộ dân tộc thiểu số đạt hơn 27,4 triệu đồng trên bình quân chung là 30,8 triệu đồng.
Vốn tín dụng chính sách tham gia vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ với doanh số cho vay từ năm 2022 đến 30/9/2023 đã giải ngân cho 7.095 khách hàng với số tiền tương đương 294 tỷ đồng. Tỉnh hỗ trợ lãi suất gần 105.000 món vay với số dư nợ đến 2.143 tỷ đồng và số tiền lãi suất hỗ trợ tương tương 37 tỷ đồng.
Đồng chí Dương Quyết Thắng tặng quà cho hộ nghèo tại xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. |
Tính đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 147,418 tỷ đồng, chiếm 3,1%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn ngân sách tỉnh chuyển sang 30 tỷ đồng và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chuyển nguồn vốn ngân sách cấp huyện tương tương 10 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt tương đương 180 tỷ đồng.
Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương bổ sung vốn hằng năm tăng trưởng từ 10%-15%. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm và nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển các khu công nghiệp.
Đến cuối năm 2023, bổ sung vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm theo tổng hợp từ các huyện với số tiền 485 tỷ đồng; chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 150 tỷ đồng.
Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao tặng tỉnh Sóc Trăng 1 tỷ đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết. |
Phát biểu kết luận giám sát, đồng chí Dương Quyết Thắng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng hiện thực các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh Sóc Trăng. Qua đó, tạo động lực mới, năng lực mới cho địa phương phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.
Đồng chí Dương Quyết Thắng đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình của Sóc Trăng tiếp tục phát huy thành quả đạt được. Cùng với tập trung phát triển kinh tế, Sóc Trăng cần chú trọng thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả từng chương trình, góp phần quan trọng khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chăm lo cho nhân dân phát triển về mọi mặt.
Các kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp và trình Ban Chỉ đạo Trung ương sớm tháo gỡ khó khăn, giúp Sóc Trăng thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh Sóc Trăng.