Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia

Ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, người dân đặc biệt quan tâm. Ðối với Tây Nguyên, do nhiều nguyên nhân cho nên vẫn còn nhiều vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm, tặng quà bà con làng Ðê Kjêng, xã Dun (huyện Mang Yang, Gia Lai).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm, tặng quà bà con làng Ðê Kjêng, xã Dun (huyện Mang Yang, Gia Lai).

Nhiều vướng mắc

Tây Nguyên là địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng-an ninh, với diện tích chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm 6% dân số cả nước), trong đó đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 36,5%. Ðời sống người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hơn 8,6%, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 5,2%.

Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân năm 2022 đạt khoảng 52%; thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách trung ương. Vì vậy việc triển khai thực hiện tốt, hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

Giai đoạn 2021-2025, các tỉnh Tây Nguyên được Trung ương giao hơn 11.700 tỷ đồng để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm gần 12% tổng nguồn lực đầu tư của Trung ương cho ba chương trình mục tiêu quốc gia của cả nước. Riêng năm 2022, Trung ương cấp gần 4.000 tỷ đồng và các tỉnh Tây Nguyên bố trí hơn 850 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Ðến ngày 31/12/2022, các tỉnh khu vực Tây Nguyên mới chỉ giải ngân được gần 35% số vốn Trung ương giao (thấp hơn gần 3% so với tốc độ giải ngân trung bình cả nước).

Nêu một số vướng mắc cụ thể của địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, hiện nay Chính phủ chưa ban hành định mức về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất. Trong khi đó, các địa phương không còn quỹ đất sản xuất mà theo quy định, không cho phép sử dụng kinh phí hỗ trợ mua đất sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cho phép người dân tự mua bán, chuyển nhượng đất sản xuất bằng nguồn kinh phí được hỗ trợ; hướng dẫn cụ thể đối với việc khoán bảo vệ rừng, có được nhận cùng lúc tiền thu được từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và nguồn vốn hỗ trợ khoán, bảo vệ rừng… để địa phương có cơ sở thực hiện.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Pháp nêu một số vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách như: Việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia chậm so với thời điểm giao kế hoạch, dự toán hằng năm của địa phương; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thì kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đều có thời gian thực hiện từ 2-3 năm, trong khi việc giao dự toán ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp) theo hằng năm, do đó, địa phương gặp khó khăn trong xác định nguồn vốn để xây dựng kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

“Hiện có quá nhiều văn bản quản lý, điều hành… đề nghị các bộ, ngành chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia nghiên cứu, tổng hợp, hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện để địa phương dễ dàng nghiên cứu, áp dụng đồng bộ”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị.

Lãnh đạo các tỉnh Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Lâm Ðồng cũng nêu lên một số vấn đề còn khó khăn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện như: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tỷ lệ giải ngân còn thấp do nguồn vốn đối ứng từ nguồn thu biện pháp tài chính (thu sử dụng đất) không đạt, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng Võ Ngọc Hiệp kiến nghị việc quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ, số lượng dự án áp dụng cơ chế đặc thù làm phát sinh thủ tục hành chính, do đó, tỉnh Lâm Ðồng đề nghị sửa đổi theo hướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định để giảm bớt thủ tục, thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng nêu những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 còn thiếu đồng bộ, chưa có định mức hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của một số bộ, ngành chưa rõ, hướng dẫn chưa cụ thể, chi tiết, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện ở địa phương.

Cần những biện pháp tháo gỡ đồng bộ

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với năm tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, Phó Thủ tướng đánh giá cao các phần việc mà năm tỉnh Tây Nguyên đã làm được. Tuy có một số việc kết quả còn thấp so với cả nước, nhưng có một số việc rất có giá trị, được quan tâm, tạo tiền đề tích cực để triển khai một số nhiệm vụ tiếp theo.

Trong ba năm còn lại, để triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng kế hoạch, khối lượng công việc sẽ rất lớn, trong đó có việc phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Ðặc biệt, trong năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. Do vậy việc gì làm được thì báo cáo, việc nào chưa làm được thì phải nhận khuyết điểm để sửa đổi và làm tốt hơn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

Về phía Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu sớm tập hợp, rà soát, thống kê, tham mưu cho Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo có văn bản nhắc nhở cụ thể các bộ, ngành, địa phương về những việc phải làm, kèm theo thời hạn phải hoàn thành; trong đó lưu ý phải hoàn thành các văn bản còn thiếu, rà soát những văn bản còn chồng chéo hoặc chưa rõ, sau đó có báo cáo Quốc hội. Nếu tích cực làm tốt, phối hợp tốt, trách nhiệm tốt thì sẽ có báo cáo hoàn chỉnh trình Quốc hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đã đi qua thời gian hai năm trong kế hoạch 5 năm nhưng vẫn chưa xây dựng xong các quy định, thời gian còn lại khối lượng công việc là khổng lồ. Do vậy, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải nghiên cứu, rà soát đối với các quy định thuộc thẩm quyền thì xử lý ngay; các vấn đề còn tồn tại, nếu vượt thẩm quyền phải tích cực, khẩn trương tham mưu đề xuất Chính phủ giải quyết.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương nên chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình thực hiện; cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; đồng thời tính toán ưu tiên các chương trình, dự án có tính khả thi cao; chủ động trong công tác phối hợp triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương. “Tôi đề nghị ở các địa phương, chủ tịch hoặc phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách sẽ là điều phối viên cùng ngồi lại với các bộ, ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng tham gia để giải quyết những vấn đề chưa đồng thuận, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh

Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư. Ðến tháng 8/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã ban hành gần 80 văn bản pháp lý và giao kế hoạch nguồn ngân sách trung ương năm 2022, làm cơ sở để các cơ quan, địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn và triển khai thực hiện.