Giám sát kiểu “tự nguyện”
Sông Krông Nô là ranh giới giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Tại Đắk Nông, sông Krông Nô chảy qua địa phận huyện Krông, là khu vực có trữ lượng cát xây dựng lớn, cung cấp nguyên liệu chủ yếu, phục vụ hoạt động xây dựng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua. Hiện UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp 7 giấy phép khai thác cát cho 7 doanh nghiệp, với sản lượng khai thác từ 14.000-40.000 m3/năm.
Qua công tác thanh kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông xác định, có 5/7 doanh nghiệp được cấp phép đang tiến hành khai thác. Một doanh nghiệp đang tạm dừng khai thác và 1 doanh nghiệp chưa tiến hành khai thác.
Theo đánh giá, các đơn vị khai thác cát trên sông Krông Nô cơ bản chấp hành nội dung của Giấy phép trong hoạt động khai thác khoáng sản. Các đơn vị khai thác đúng vị trí, diện tích, độ sâu được phép. Việc thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được triển khai đúng quy định. Con người, phương tiện của các doanh nghiệp cơ bản bảo đảm… Cả 5 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác cát đều có số liệu thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, số liệu nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp này đều chưa đạt công suất khai thác theo Giấy phép được cấp. Có thời điểm, nhiều doanh nghiệp có công suất khai thác hằng năm chỉ đạt dưới 20% so với giấy phép.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cho rằng, số lượng phương tiện vận chuyển cát ra, vào tại các bến cát có lưu lượng khá lớn. Các tàu khai thác cát của doanh nghiệp có công suất cao. Điều đó cho thấy sản lượng kê khai nộp thuế chưa phản ánh đúng khối lượng khai thác cát thực tế của các đơn vị trong thời gian qua.
Việc kiểm tra, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác nhằm chống thất thu thuế đã được quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Theo khoản 2, điều 42 của Nghị định 158, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, chống thất thu Ngân sách Nhà nước.
Quy định là vậy, nhưng thời gian qua, tại Đắk Nông việc thực hiện giám sát các đơn vị khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn mang tính hình thức. Việc quản lý, giám sát trạm cân chủ yếu do các đơn vị khai thác cát tự thực hiện để tự kê khai sản lượng cát khai thác theo kiểu “tự nguyện”. Các cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức giám sát, cơ quan có trách nhiệm giám sát nên không thể kiểm soát hoặc không phát huy hiệu quả…
Cần giải pháp căn cơ
Mới đây, qua kiểm tra thực tế tại các đơn vị khai thác cát, đoàn công tác đã phát hiện có 4 doanh nghiệp lắp đặt trạm cân, camera giám sát không gần vị trí cổng, trên tuyến đường ra, vào bãi chứa cát…nên không bảo đảm cho việc giám sát khối lượng cát tiêu thụ thực tế.
Phó Cục trưởng Cục thuế Đắk Nông Ngô Đức Trọng cho biết, lâu nay chúng ta để các doanh nghiệp tự giám sát bằng hệ thống trạm cân, camera của họ theo kiểu “tự nguyện” rõ ràng là kém hiệu quả. Vì vậy, cần giao việc giám sát cho một cơ quan nhà nước thực hiện giám sát và chịu trách nhiệm, có như vậy việc kiểm soát hoạt động khai thác cát mới đạt hiệu quả, góp phần quản lý tốt vấn đề an ninh trật tự tại địa phương.
Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông Nguyễn Tường Vũ thẳng thắn đánh giá, nếu không có cơ quan chức năng giám sát camera về sản lượng tiêu thụ thì chắc chắn sẽ thất thu thuế. Theo nắm bắt của lực lượng công an, có tình trạng doanh nghiệp lắp đặt camera và trạm cân một nơi, nhưng xe chở cát lại đi đường khác. Nếu lực lượng chức năng làm nghiêm, thậm chí có doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự.
Trên thực tế, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã phát hiện và tham mưu, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu 4 doanh nghiệp phải di dời trạm cân, camera giám sát ra vị trí thuận tiện cho việc giám sát. Các đơn vị phải lưu trữ và kết nối truyền dữ liệu trạm cân, camera giám sát về Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Krông Nô và cơ quan thuế Đắk Nông trong tháng 11/2021.
Nhưng đến giữa tháng 2/2022, chỉ có 1/4 doanh nghiệp hoàn thành việc di dời trạm cân, camera; ba doanh nghiệp còn lại vẫn chưa thực hiện di dời trạm cân, camera theo yêu cầu của tỉnh Đắk Nông.
Về góc độ tiếp nhận dữ liệu, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin để tiếp nhận số liệu trạm cân, camera giám sát của các doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông Võ Văn Minh cho biết, hệ thống thiết bị trạm cân, camera của các đơn vị khai thác cát tự lắp đặt nên chưa đồng bộ. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Hiện Sở đang đôn đốc, yêu cầu đơn vị tư vấn khảo sát để xây dựng các phương án cụ thể về quy mô, kinh phí và hiệu quả của hệ thống tiếp nhận để trình UBND tỉnh Đắk Nông trong quý I/2022.
Liên quan đến việc giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Trần Đăng Ánh cho biết, sẽ đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông bố trí kinh phí để huyện Krông Nô tự khảo sát và triển khai lắp đặt hệ thống camera. Theo ông Ánh, địa phương có các lực lượng như: công an, thuế… để theo dõi, bảo vệ. Hệ thống camera này không chỉ giúp cho các cơ quan quản lý tốt hoạt động khai thác cát mà còn giám sát vấn đề an ninh trật tự tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, việc lắp đặt hệ thống giám sát trước hết là để phục vụ vấn đề bảo đảm an ninh nông thôn. Cùng với đó, đây sẽ là kênh riêng để đối chứng với hệ thống camera theo dõi của doanh nghiệp, kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông. Hệ thống này sẽ là căn cứ để phục vụ cho các đơn vị khi triển khai các giải pháp chống thất thu thuế. Tỉnh Đắk Nông cũng đã đồng ý cho phép UBND huyện Krông Nô khảo sát, lắp đặt hệ thống camera thực hiện giám sát theo thẩm quyền...