Mới đây, hàng trăm học sinh phải nhập viện, một trẻ tử vong vì ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa càng khiến dư luận lo lắng về chất lượng thực phẩm trong trường học.
Hiện nay, có một số hình thức cung cấp suất ăn cho học sinh trong trường học như nhà trường tự tổ chức nấu tại bếp ăn hoặc ký hợp đồng với đơn vị nấu ở ngoài rồi vận chuyển tới trường. Theo quy định, tất cả những hình thức này đều được quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp nhận nguyên liệu đầu vào tại nhiều trường chỉ dừng ở mức kiểm tra giấy tờ liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc quan sát bằng mắt thường, chưa có biện pháp xét nghiệm y tế.
Nói cách khác, nhiều trường học đang đặt niềm tin và phó thác hoàn toàn cho nhà cung cấp thực phẩm. Vì thế, những vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra không chỉ đến từ nguyên liệu nấu nướng mà còn tiềm ẩn trong quá trình chế biến chưa đạt tiêu chuẩn.
Ngay sau sự việc xảy ra tại Trường iSchool ở Nha Trang, nhiều địa phương đã có văn bản yêu cầu trường học siết chặt an toàn thực phẩm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu người đứng đầu các trường học chịu trách nhiệm kiểm soát, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng-tin trong trường phải an toàn theo quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho trường học có bán trú. Khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng.
Để bảo đảm cho học sinh có một bữa ăn chất lượng, đã đến lúc chúng ta cần chế tài xử lý mạnh hơn nữa với các hành vi cố tình sử dụng thực phẩm kém chất lượng dẫn đến gây ngộ độc cho học sinh. Tại trường học, hiệu trưởng là người quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp, vì vậy, cần quy trách nhiệm cao nhất cho hiệu trưởng, tiếp đến là người phụ trách bếp ăn và bên cung cấp thực phẩm, suất ăn cho trường học. Nếu phát hiện lãnh đạo sở hoặc phòng giáo dục và đào tạo ép các trường phải đặt suất ăn từ doanh nghiệp “người nhà”, doanh nghiệp sân sau của những lãnh đạo đó thì người phát hiện cần cung cấp thông tin và bằng chứng cho cơ quan chức năng.
Ngành giáo dục và y tế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh tại nhà trường trong việc giám sát an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại cơ sở giáo dục.