Bão số 3 vừa qua đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất kinh hoàng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân. Nơi không xảy ra sạt lở thì nước lũ để lại một lượng lớn bùn đất làm ô nhiễm khu dân cư, phố phường. Cuối tháng 10 vừa qua, tại hai huyện phía nam tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 6 cũng gây lũ lụt nghiêm trọng. Dù mức nước lũ chưa bằng mốc lũ lịch sử năm 2020 nhưng đây vẫn là trận lũ lớn. Thậm chí, trận lũ vừa qua để lại lượng bùn đất dày hơn rất nhiều. Điều này chứng tỏ dưới những trận mưa lớn, đồi núi phía tây Quảng Bình bị rửa trôi với cường độ khá lớn.
Ở Quảng Bình, bên cạnh diện tích lớn rừng tự nhiên thì có không ít diện tích rừng trồng với loại cây chủ yếu là keo lai, có khả năng giữ đất không cao. Trong khi, theo các nhà khoa học, rừng trồng chỉ có tác dụng từ 1/2 đến 1/5 so với rừng tự nhiên về tác dụng giữ đất và chỉ khoảng 50% về khả năng ngăn lũ. Chu kỳ khai thác rừng trồng chỉ khoảng 5 năm nên khiến núi đồi vừa xanh lại nhanh trơ trọi.
Không riêng Quảng Bình mà những năm gây đây, các tỉnh miền trung đều có đề án, chương trình phát triển kinh tế lâm nghiệp mà trọng tâm là trồng rừng gắn với hình thành các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng. Điều này đã góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế lâm nghiệp của các địa phương và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, chu kỳ trồng và thu hoạch cây keo ngắn, muốn trồng được thì phải phát quang toàn bộ bề mặt đồi núi và thảm thực vật, tạo các đường vận chuyển giống cây, phân bón lên để trồng. Điều này vô tình làm thay đổi kết cấu của đất, lực giữ giảm nên khi mưa lớn trong thời gian dài dễ dẫn tới sạt lở hoặc bị rửa trôi.
Theo dọc đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh miền trung, không khó để bắt gặp những quả đồi cao bị cạo trọc để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Cùng với đó là nỗi lo sạt lở đất khi hệ sinh thái đa tầng, thảm thực vật bị phá bỏ.
Mới đây, Quốc hội thảo luận tại hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025, nhiều đại biểu nêu lên tình trạng suy giảm diện tích rừng tự nhiên và gia tăng rừng trồng làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng. Có đại biểu cho rằng, ở các địa phương đều nhận thấy mầu xanh của rừng nhưng chưa bền vững do rừng chủ yếu là keo và bạch đàn. Vì vậy, một số đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế cũng như đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng với đa dạng sinh học, phòng chống lũ quét, sạt lở.
Để ứng phó tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hiện nay, các địa phương cần tích cực chuyển từ trồng rừng thông thường, chu kỳ khai thác ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn và trồng bằng cây bản địa. Thực tế tại địa phương đi đầu trồng rừng gỗ lớn ở miền trung là tỉnh Quảng Trị cho thấy, trên cùng một đơn vị diện tích, rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội gấp 3-4 lần so với rừng nguyên liệu. Rừng gỗ lớn 10-12 năm mới thu hoạch nên hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại và tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần giảm nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất.
Cùng với thay đổi cách làm, Nhà nước và các địa phương cần có chính sách hỗ trợ người trồng rừng để chuyển phương thức trồng rừng từ ngắn ngày sang dài ngày, từ có nguồn thu trước mắt đến nguồn thu lâu dài có giá trị cao; đồng thời khắc phục tình trạng thu hoạch rừng vội vì sợ thiệt hại do gió bão hằng năm. Nên tăng cường trồng các cây bản địa, những cây lâu năm, nếu để phục vụ cho phát triển kinh tế thì có thể quy hoạch phía dưới là những vùng trồng rừng nguyên liệu còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, cây bản địa để tăng khả năng chống chịu gió bão và giữ được đất, nước.