Trong nỗ lực đưa Huế trở thành đô thị di sản đặc biệt ở Việt Nam và cả trên bình diện thế giới, Đảng bộ, chính quyền và người dân Huế đã quyết tâm xây dựng cho Huế thêm điểm nhấn - là một thành phố nghệ thuật. Và quyết tâm ấy đã được thể hiện bằng những hành động thiết thực: dành các vị trí đẹp, tiện lợi hơn cả cho các không gian nghệ thuật…
Là người con của Huế, nổi danh toàn cầu, sau nhiều năm sinh sống và lập nghiệp ở châu Âu, trong những khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã trở về nương bóng ở quê hương. Bà đã mang theo một gia tài đồ sộ các tác phẩm đắt giá của mình tặng cho Huế.
Quãng những năm 1994 (từ khi bà trở về Huế) tới lúc bà qua đời (năm 2002), nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã được khai trương trong một biệt thự trên phố Phan Bội Châu. Tới năm 2018, Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị chuyển về tòa nhà tuyệt đẹp ngày ngày đón gió sông Hương, ở trung tâm thành phố, số 17 Lê Lợi.
Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại 17 Lê Lợi, Huế |
Đây là một trong 27 tòa nhà nằm trong danh mục mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào danh sách các công trình từ thời Pháp cần được bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, cảnh quan, kiến trúc nghệ thuật.
“Láng giềng” của Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, ngay số 15 Lê Lợi, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng cũng lưu giữ trong mình một kho báu các tác phẩm của người nghệ sĩ tài hoa.
Sinh ra ở Triệu Phong (Quảng Trị), cũng sinh sống, lập nghiệp, sáng tạo ở Pháp, họa sĩ Lê Bá Đảng ngay lúc sinh thời, năm 2006 đã đem các tác phẩm của mình về nước, tặng cho Huế và cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hình thành nên Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng với tâm nguyện: Đưa Huế trở thành “kinh đô nghệ thuật”.
Tấm lòng hướng về nguồn cội, hướng về quê hương đất nước của các nghệ sĩ lớn ở tuổi xế chiều đã được cộng hưởng bởi tư duy tôn trọng người tài, chiêu hiền đãi sỹ, nhìn nhận đúng giá trị và ảnh hưởng vượt thời gian, không gian của nghệ thuật…, nên thành quả bội thu là các thiết chế văn hóa được ra đời, và được người dân, du khách yêu mến, ngưỡng mộ: Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng…
Năm 2019, 4 năm sau khi họa sĩ Lê Bá Đảng qua đời, bà Myshu - phu nhân của ông đã về Huế khai trương Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng tại thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách kinh thành Huế hơn chục cây số.
Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng tại Huế. |
Đây là nơi trưng bày và thưởng lãm nghệ thuật đúng những chuẩn mực tiên tiến của thế giới, một địa chỉ mà ghé thăm, du khách, người yêu nghệ thuật sẽ trải nghiệm chân thực nhất quá trình sáng tạo nghệ thuật diễm lệ của người nghệ sỹ kỳ tài, đúng như ông từng chiêm nghiệm: “Sự giàu có đích thực của người nghệ sỹ đến từ sự đa dạng trong sáng tạo”… Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng hiện cũng được coi là nơi mà du khách “nên đến” khi tới Huế…
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế nhiều năm qua đã luôn có các động thái rõ ràng, những biện pháp cụ thể để mục tiêu “kinh đô nghệ thuật” Huế hiển hiện trên thực tế.
Tạo điều kiện bằng cơ chế chính sách, trước hết là dành những mặt bằng, những không gian đẹp, tiện ích… làm nhà bảo tàng, trưng bày nghệ thuật, hay hỗ trợ tối đa với các đơn vị tư nhân, các cá nhân có nguyện vọng đầu tư cho các hoạt động nghệ thuật.
Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đi vào hoạt động từ năm 2022, do Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan chủ xướng… đã thành nơi gặp gỡ của những người yêu gốm sứ truyền thống.
Không gian tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. |
Nhưng các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật cũng chỉ là một góc của Huế trong hành trình trở thành thành phố nghệ thuật. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ: Huế có đặc điểm, đến nhịp sống thường ngày, lối sống Huế, món ăn Huế… cũng có thể nâng tầm trở thành nghệ thuật - thành điểm nhấn cho du khách phương xa.
Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật như Nhã nhạc cung đình, Ca Huế… cũng được chú trọng quảng bá, đẩy mạnh tần suất biểu diễn… Nghệ thuật cung đình và ca kịch Huế lâu nay đã gây được sự tò mò trong nhiều du khách, để đến thời điểm chính thức đặt chân tới cố đô, người dân tứ xứ đã không chần chừ, luôn háo hức lựa chọn thưởng ngoạn.
Thời gian vừa qua, Huế đã xây dựng chuỗi chương trình và đang tạo dựng nên thương hiệu Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô, biến chương trình này thành: “đêm đối thoại âm nhạc giữa đông và tây, giữa truyền thống và hiện đại. Khán giả và du khách tại Huế sẽ được thưởng thức những tác phẩm kinh điển thế giới, làn điệu Huế, nhã nhạc và tác phẩm Trịnh Công Sơn”…
Dù mọi chuyện vẫn đang ở những khúc dạo đầu, nhưng phải từ những viên gạch dựng nền móng như thế này, từ sự sâu sát cởi mở của lãnh đạo các cấp ở Thừa Thiên Huế, từ sự đồng thuận của người dân, những điểm hẹn nghệ thuật của Huế đang lộ diện, hứa hẹn trở thành những thương hiệu nằm lòng trong tâm khảm du khách muôn phương. Huế không chỉ là đô thị di sản, mà còn vươn tới đặc trưng riêng, là một thành phố nghệ thuật, một “kinh đô nghệ thuật” như mường tượng bấy lâu của họa sĩ Lê Bá Đảng…