Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Vũ, chợ Phú Lộc cũ là chợ dân sinh, hình thành tự phát từ năm 1980. Chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, rất chật chội với tổng diện tích 1.507m2. Khu vực cổng chợ là điểm đen về giao thông bởi nằm ở ngã ba, đối diện với đầu cầu Phú Lộc là nơi giao cắt giữa 2 đường tỉnh lộ 394C và 394.
Toàn cảnh khu vực chợ mới Phú Lộc với cổng chợ rộng rãi, hai bên là hai dãy ki-ốt. |
Cổng chợ Phú Lộc cũ (đối diện với cầu Phú Lộc) nhỏ bé và rất thiếu ánh sáng nằm sát lòng đường tỉnh lộ 394 rất dễ xảy ra va chạm giao thông. |
Trong khu chợ cũ hiện nay, điều kiện ánh sáng không đủ, gần 100 hộ kinh doanh buôn bán đủ loại mặt hàng, từ các đồ gia dụng thiết yếu, cho đến lương thực, thực phẩm và đủ loại rau củ quả trong những gian hàng nhếch nhác. Ngoài cổng chợ, nhiều người bán hàng tạp hóa, rau quả tràn ra lòng đường, bất chấp việc cơ quan chức năng đã lắp đặt biển cấm họp chợ.
Bà con tiểu thương tụ tập chung quanh cầu Phú Lộc, nơi cấm họp chợ gây cản trở giao thông. |
Khu vực cầu Phú Lộc có nhiều biển báo cấm họp chợ nhưng nhiều bà con vẫn không chấp hành, và chỉ bỏ đi khi xuất hiện lực lượng chức năng. |
Chợ cũ còn không bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về phòng, chống cháy nổ cũng không đáp ứng tiêu chí của việc xây dựng xã nông thôn mới trong bối cảnh xã Cẩm Vũ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, định hướng xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu…
Cần sớm giải tỏa chợ Phú Lộc cũ và xóa bỏ điểm đen về tai nạn giao thông ngay trước cổng chợ. |
Chợ mới Phú Lộc được xây dựng khang trang, rộng rãi với 180 gian hàng có mái che. |
Một hộ kinh doanh thực phẩm vui vẻ vào chợ mới bán hàng. |
Chợ mới Phú Lộc nằm trong dự án khu dân cư thương mại và chợ Phú Lộc được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 29/10/2018.
Chợ được xây dựng khang trang, hiện đại và hoàn thành từ tháng 7/2021 với 180 điểm kinh doanh có mái che, tổng kinh phí xây dựng 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Chợ mới được quy hoạch, xây dựng bài bản thoáng mát, cách chợ cũ chỉ chừng 200m. Chợ có hệ thống đường đi lại rất rộng rãi; từ đường 391 đi vào cổng chợ là con đường đôi và thuận tiện; chợ có công trình chữa cháy tự động, hệ thống điện chiếu sáng, cùng các hạng mục nhà quản lý, bãi đỗ xe, bãi tập kết rác, khu quản lý, khu vệ sinh, bãi đỗ xe (khoảng 1.500m2) được quy hoạch hài hòa, có tính thẩm mỹ cao.
Các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Phú Lộc mới cho rằng chính quyền cần phải sớm giải tỏa chợ cũ để tạo niềm tin cho nhân dân. |
Nhiều tiểu thương mong mỏi sở hữu một gian hàng có mái che ở chợ mới Phú Lộc nhưng không còn cơ hội. |
Thời gian qua, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chính sách ưu đãi; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương buôn bán ở chợ Phú Lộc cũ bàn giao mặt bằng, đăng ký di chuyển ra chợ Phú Lộc mới.
Đa số các tiểu thương đã vui vẻ di chuyển, nhưng một số hộ kinh doanh không đồng ý chuyển chợ và gửi đơn kiến nghị đến các cấp, các ngành yêu cầu giữ lại chợ cũ để họ kinh doanh.
Các bà Mai Thị Hằng (1982), Mai Thị Hương (1974), Vũ Thị Nhung (1967), ông Vũ Hồng Triệu (1962), ông Đào Xuân Hạnh (1975)... đưa ra những lý do: Ủy ban nhân dân xã không có quyền thu hồi đất chợ của họ khi không có giấy tờ hợp lệ; về mặt thỏa thuận thì họ không đồng ý chấp thuận những việc mà Ủy ban nhân dân xã đã làm (họ tự cho là Ủy ban nhân dân xã làm trái quy định); chợ mới không phù hợp với các tiểu thương và họ không có nghĩa vụ phải vào chợ vì chợ mới không phù hợp với họ; chợ nằm trong ngõ quá sâu, cách xa trục đường giao thông, chi phí vào chợ lớn và không rõ ràng...
Trái lại với các hộ kinh doanh nêu trên, đa số tiểu thương đã di chuyển sang chợ mới đều tỏ ra vui vẻ và phấn khởi. Các bà Nguyễn Thị Mây, Hoàng Thị Hoàn, Vũ Thị Hội, Vũ Thị Sen đều cho rằng, chợ Phú Lộc mới là chợ nông thôn thoáng mát và đẹp nhất mà các bà từng biết.
Các bà cho rằng có mấy tiểu thương cố tình chây ỳ, không đồng thuận di chuyển bởi các gian hàng của họ bên chợ cũ rộng rãi hơn của các hộ khác nên cũng đông khách hơn.
Bên cạnh đó, ở chợ cũ xã chỉ thu phí vệ sinh chợ có vài chục nghìn đồng/tháng nên họ cho rằng sang chợ mới họ phải đóng nhiều tiền hơn nên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Bà Nguyễn Thị Mây cho biết: "Chúng tôi đề nghị chính quyền huyện, chính quyền xã khẩn trương giải tỏa chợ cũ để xây dựng các công trình công cộng, để chợ mới nhanh chóng phát triển, bảo đảm công bằng cho các tiểu thương sớm chấp hành chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Việc làm sớm, kiên quyết của chính quyền sẽ chứng minh uy tín của chính quyền với nhân dân, không để nhân dân suy giảm lòng tin vào cán bộ và chính quyền các cấp".
Trở lại thời điểm tháng 7/2021, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng đã tiếp nhận chợ Phú Lộc mới từ đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Tây Bắc và bàn giao chợ cho Ủy ban nhân dân xã Cẩm Vũ quản lý, đưa vào sử dụng.
Nhưng suốt 3 năm qua, một số hộ kinh doanh không đồng ý chuyển chợ vì không muốn chi trả tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng (có mái che) theo quy định (có 3 mức 15.000 đồng, 20.000 đồng/1m2/tháng tùy theo vị trí). Họ cho rằng cứ chây ỳ, bám chợ cũ thì không phải trả tiền thuê đất công (mỗi ngày họ chỉ phải chi trả khoảng 2.000 đồng phí dọn vệ sinh môi trường).
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng cho biết: Ủy ban nhân dân xã Cẩm Vũ cũng đã xây dựng kế hoạch di chuyển chợ, nhiều lần tuyên truyền vận động, tuy nhiên còn một số hộ tiểu thương không hợp tác, cố tình chống đối, không chấp hành việc di chuyển từ chợ cũ sang chợ mới; xúi giục, kích động, lôi kéo các tiểu thương khác tổ chức viết đơn khiếu nại gửi báo chí và các cấp chính quyền sai sự thật, làm ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển chợ của địa phương.
Theo bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương: Chợ Phú Lộc cũ quá chật hẹp, đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm các quy định về môi trường, về an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như phòng, chống cháy, nổ.
Hằng ngày vào giờ cao điểm, nhiều hộ dân còn bày bán hàng hóa chung quanh khu vực cầu Phú Lộc, lấn chiếm lòng đường, lề đường, gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông.
Chợ Phú Lộc mới đạt tiêu chuẩn chợ loại III được đưa vào sử dụng tạo thêm gần 100 vị trí kinh doanh so với chợ cũ. Chợ cũng mở ra điều kiện kinh doanh tốt hơn cho các tiểu thương bởi thuận lợi về việc tập kết, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của xã Cẩm Vũ và các làng, xã lân cận.
Với hệ thống đường giao thông rộng rãi khắp khu chợ, có bãi đỗ xe, nút giao thông hoàn chỉnh sẽ xóa bỏ điểm đen về an toàn tại nút giao giữa 2 đường tỉnh 394 và 394C.
Bà Phượng cho rằng, đưa chợ Phú Lộc mới vào hoạt động là thực hiện chủ trương của tỉnh Hải Dương, của huyện Cẩm Giàng nhằm cụ thể hóa quy hoạch xây dựng trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
"Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian qua, chính quyền các cấp ở tỉnh Hải Dương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chính sách ưu đãi đối với các hộ kinh doanh tại chợ Phú Lộc cũ; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương buôn bán ở chợ Phú Lộc cũ bàn giao mặt bằng, đăng ký di chuyển ra chợ Phú Lộc mới", Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết.
Tuy nhiên còn một số hộ kinh doanh đã cố tình chây ỳ trả lại mặt bằng chợ cũ, không chấp hành chủ trương của tỉnh của huyện và địa phương, có những lời lẽ xúc phạm cán bộ địa phương và gây sức ép tâm lý đối với những hộ kinh doanh đã đăng ký chuyển chợ…
Đề nghị chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương trên cơ sở các quy định của pháp luật, sớm có biện pháp thực hiện kế hoạch giải tỏa chợ Phú Lộc cũ để xóa bỏ điểm đen về an toàn giao thông, xây dựng bãi đỗ xe và mở rộng nút giao thông nội vùng tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội của xã Cẩm Vũ nói riêng, huyện Cẩm Giàng nói chung.
Bên cạnh đó, cần làm rõ những hành vi sai trái, chống đối chính quyền của một số đối tượng quá khích, có biện pháp xử lý nghiêm minh để giữ nghiêm kỷ cương phép nước.