"Làm mới" chợ truyền thống ở Quận 1

Quận 1 là quận trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, có tốc độ phát triển kinh tế (thương mại, dịch vụ) cao, tập trung nhiều hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, mô hình chợ truyền thống vẫn tồn tại và phát triển trên địa bàn quận với bản sắc riêng, là di tích văn hóa, biểu tượng của thành phố, điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến Quận 1.
0:00 / 0:00
0:00
Khách nước ngoài mua sắm tại chợ Bến Thành.
Khách nước ngoài mua sắm tại chợ Bến Thành.

Làm mới chợ Bến Thành

Trên địa bàn Quận 1 hiện có năm chợ truyền thống là: Bến Thành, Tân Ðịnh, Dân Sinh, Thái Bình, Ða Kao. Trong đó, chợ Bến Thành là ngôi chợ đặc biệt, được xem là biểu tượng và điểm du lịch nổi tiếng của thành phố.

Theo Ủy ban nhân dân Quận 1, chợ Bến Thành có diện tích hơn 13 nghìn m2; bốn mặt tiền chợ tiếp giáp với các tuyến đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; có 1.538 điểm kinh doanh, 2.000 thương nhân và sáu doanh nghiệp đang kinh doanh tại chợ. Bình quân, chợ đón khoảng 6.000 lượt khách/ngày đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm (các dịp cao điểm lễ, Tết… đón khoảng 10.000 lượt khách/ngày), khách nước ngoài chiếm khoảng 80% tổng lượng khách.

Ðể nâng cao chất lượng hoạt động, quảng bá hình ảnh chợ Bến Thành, Ủy ban nhân dân Quận 1 và Ban Quản lý chợ Bến Thành đã triển khai nhiều nội dung như: Kéo dài thời gian hoạt động trong nhà lồng chợ đến 22 giờ (trước đây chỉ hoạt động đến 18 giờ) từ ngày 30/4/2022 để tăng cường phục vụ khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh chợ Bến Thành; hoàn thành xây dựng website của chợ Bến Thành tại địa chỉ truy cập http://benthanhmarket.vn, nhằm truyền tải các nội dung, thông điệp của chính quyền địa phương và quảng bá hình ảnh chợ Bến Thành - điểm đến du lịch, điểm tham quan, mua sắm đặc trưng của Quận 1 và thành phố. Các hoạt động của chợ Bến Thành cũng được quảng bá trên trang tin điện tử của Sở Du lịch thành phố, nhằm thu hút khách du lịch đến chợ tham quan, trải nghiệm, mua sắm.

Cùng với đó, Ban Quản lý chợ Bến Thành đã phủ sóng wifi toàn chợ, tạo điều kiện để thương nhân sử dụng, lắp đặt các thiết bị công nghệ cao để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm, quầy, sạp. Ban Quản lý chợ đã vận động thương nhân chống dột nóc chợ, chỉnh trang quầy, sạp; trang trí dịp Tết Nguyên đán, sơn lại bốn mặt tiền chợ, lắp đèn chiếu sáng mỹ thuật tại cửa nam, lắp các bảng led để thông tin các nội dung tuyên truyền tại bốn cổng chính.

Ban Quản lý chợ đã vận động thương nhân bán hàng qua mạng xã hội (Zalo, Facebook,…), thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả là tại chợ Bến Thành có 161 điểm kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội; 1.490 điểm kinh doanh (hơn 96%) chấp nhận các hình thức thanh toán không tiền mặt (chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của thương nhân, quét mã QR ngân hàng của thương nhân, ví điện tử Momo, Zalopay, VNPay…), 250 điểm kinh doanh có sử dụng máy quẹt thẻ POS.

Nhằm hỗ trợ thương nhân đổi mới phương thức kinh doanh, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu chợ Bến Thành, vào tháng 12/2023, Ủy ban nhân dân Quận 1 đã phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023: Khám phá, trải nghiệm chợ Bến Thành".

Trong đó, có các hoạt động trải nghiệm, livestream bán hàng tại chợ Bến Thành nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại chợ, phát triển kênh bán hàng mới, quảng bá hình ảnh chợ truyền thống; đã có 77 phiên livestream tại chợ (từ những người có sức ảnh hưởng, thương nhân chợ, công nghệ AI), tiếp cận được khoảng 81,6 triệu lượt người xem…

Định hướng văn minh, hiện đại hơn

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 Nguyễn Duy An cho biết: Trong thời gian tới, Quận 1 sẽ thực hiện nhiều giải pháp phù hợp trong xây dựng hình ảnh chợ truyền thống theo hướng văn minh như: Cơ cấu lại ngành hàng tại các chợ cho phù hợp với bối cảnh mới; phát huy tối đa ngành hàng đặc trưng của từng chợ; tiếp tục thực hiện phong trào "Người kinh doanh văn minh" tại các chợ. Cùng với đó, thương nhân sẽ đa dạng hóa các phương thức bán hàng và thanh toán để bắt nhịp với xu hướng phát triển mới; cải tạo, chỉnh trang chợ truyền thống nhằm tạo sự sạch sẽ, khang trang, tạo không gian kinh doanh, mua sắm thoải mái cho thương nhân, người dân, du khách; kết hợp bán hàng với các chương trình khuyến mãi hoặc các hoạt động sự kiện để tăng sự nhận biết, quảng bá hình ảnh chợ cũng như hàng hóa kinh doanh tại chợ, thu hút khách hàng đến chợ trải nghiệm, mua sắm. Bên cạnh đó, các chợ sẽ tập trung việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không nói thách giá, thái độ phục vụ văn minh...

Theo Tiến sĩ Lê Thị Hải Yến, đại diện nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Kinh tế-Luật (Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), chợ truyền thống là một nét văn hóa đẹp, và không thể bị các kênh mua sắm hiện đại thay thế hoàn toàn được. Mua sắm tại chợ truyền thống vẫn có nhiều lợi ích và hấp dẫn đối với người tiêu dùng trong hiện tại và thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể tồn tại, duy trì được hoạt động và phát triển, chợ truyền thống cần cải thiện những vấn đề cố hữu như: Ô nhiễm môi trường (nước thải, vệ sinh…), nguồn gốc và chất lượng hàng hóa…

Theo các chuyên gia kinh tế, sự tồn tại của chợ truyền thống là cần thiết nhưng cần chuyển đổi theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh, hiện đại. Các chợ truyền thống ở Quận 1 có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời cho nên không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm mà gắn với phát triển du lịch. Vì vậy, một số chợ ở Quận 1 cần bổ sung hình thức kinh doanh trực tuyến, gắn với phục vụ du lịch và kinh tế đêm.

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Các chợ truyền thống cần cung cấp được các dịch vụ bổ sung như: Tham quan, ẩm thực, tổ chức các lễ hội, sự kiện để thu hút du khách, người dân đến tham quan, mua sắm. Ðịa phương và ban quản lý chợ cần chú trọng xây dựng thương hiệu chợ qua các giải pháp truyền thông; nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng, kỹ năng bán hàng cho các hộ kinh doanh…