Giải thưởng Sao Khuê 2023: Thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số

NDO - Ngày 28/4, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Khuê, vinh danh và trao Giải thưởng Sao Khuê 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2023.
Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2023.

Giải thưởng được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tham dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng trên 500 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của hơn 100 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm, dịch vụ được vinh danh.

Giải thưởng Sao Khuê 2023 nhận được 331 để cử từ 215 doanh nghiệp. Sau 3 vòng tuyển chọn, chấm giải, Hội đồng đánh giá giải thưởng đã quyết định trao 182 Giải thưởng Sao Khuê 2023.

Trong số này có 15 nền tảng số, 22 dịch vụ giải pháp công nghệ tiên phong, 2 khởi nghiệp (Startup) số, 38 dịch vụ, 105 giải pháp số xuất sắc. Đặc biệt, năm 2023, có 11 đề cử được xếp hạng Sao Khuê 5 sao và 10 đề cử xuất sắc được trao Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2023.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Giải thưởng Sao Khuê đã đi qua 20 năm, chứng tỏ uy tín và sức sống mạnh mẽ. Trong 20 năm qua, giải thưởng đã tăng trưởng gần 300 lần là một câu chuyện thần kỳ chưa từng có.

Giải thưởng Sao Khuê 2023: Thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số ảnh 1

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

"Giải thưởng Sao Khuê có sức sống vì nó luôn bám sát cuộc sống, bám sát sự vận động, bám sát sự thay đổi của công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Sức sống của Giải thưởng Sao Khuê là bắt nguồn từ sức sống của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị: "Giải thưởng Sao Khuê phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, phải uy tín hơn nữa. Uy tín phải là thương hiệu chính của Sao Khuê. Uy tín của Sao Khuê cũng chính là uy tín của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, của công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghiệp Việt Nam".

Mục đích sau cùng của phần mềm Việt Nam, của Giải thưởng Sao Khuê phải là tạo ra sự phát triển của kinh tế số.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Về tương lai 10 năm tới của phần mềm Việt Nam, của Giải thưởng Sao Khuê, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Mục đích sau cùng của nó phải là tạo ra sự phát triển của kinh tế số, tức là nó phải trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Là động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21 này".

Phần mềm Việt Nam phải là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của đất nước. Giải thưởng Sao Khuê phải tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ và những doanh nghiệp CNTT, công nghệ số đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế số trong các ngành công nhiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Kinh tế Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào kinh tế số. Kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam. KTS phát triển với tốc độ 3-4 lần cao hơn tăng trưởng GDP, và sẽ chiếm tới 20-25% GDP vào năm 2025. Phát triển kinh tế số đã trở thành chiến lược quốc gia.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Thông tin Việt Nam chia sẻ, ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đang ngày càng trưởng thành hơn, các sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, Giải thưởng Sao Khuê cần thể hiện vai trò liên kết mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Theo thống kê của Ban tổ chức, trong 20 năm qua, hơn 1.500 giải thưởng, danh hiệu Sao Khuê đã được trao cho các doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam. Giải thưởng Sao Khuê đã gắn liền với hàng trăm sản phẩm, ứng dụng phần mềm, giải pháp, dịch vụ uy tín như: AMIS, Sapo, Kiot Việt, Base.vn, Bravo, Zalo, Vietinbank efast, PamAir…; vinh danh những doanh nghiệp đầu ngành công nghệ thông tin như FPT, Viettel, VNPT, MISA FSI, Mobifone, VNG, FPTSoftware, TMA, KMS, Rikkeisoft, Luvina, Fujinet, NTQ…

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Khuê, Ban Tổ chức đã trao một giải thưởng đặc biệt - Giải thưởng Sao Khuê Cống hiến cho Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bưu chính Viễn thông - như một lời tri ân tới cá nhân ông, cũng như toàn thể các giám khảo tâm huyết của chương trình. Ông Mai Liêm Trực là một trong 7 cá nhân được Vinh danh Giải thưởng Sao Khuê cho những đóng góp trong việc tạo dựng một ngành công nghệ thông tin Việt Nam lớn mạnh.

Giải thưởng Sao Khuê lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003 với mục tiêu vinh danh những con người, doanh nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là các sản phẩm phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin xuất sắc.

Năm 2003, ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Toàn ngành công nghệ thông tin có doanh thu chỉ khoảng hơn gần 500 triệu USD với khoảng 5.000 nhân lực.

Sau 20 năm, ngành công nghệ thông tin đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời gánh vác sứ mệnh quan trọng thực hiện đổi số quốc gia. Doanh thu ngành năm 2022 đạt 148 tỷ USD, với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp hơn 300 lần về doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nhân lực.