Giải thưởng Đào Tấn tôn vinh văn hóa truyền thống

Tổ chức trở lại sau bốn năm gián đoạn vì đại dịch, giải thưởng mang tên danh nhân văn hóa Đào Tấn (nhà thơ, soạn giả tuồng, nghệ nhân xuất sắc của Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) đã tiếp tục truyền lửa, tạo động lực để các đơn vị nghệ thuật, văn nghệ sĩ thêm bền bỉ, cố gắng trên hành trình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Trao Giải thưởng Đào Tấn cho đại diện các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc.
Trao Giải thưởng Đào Tấn cho đại diện các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc.

Giải thưởng Đào Tấn do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam khởi xướng từ năm 2000.

Đây là Giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho tiến trình giao lưu, hội nhập văn hóa đất nước trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Trong hơn 20 năm qua, nhiều văn nghệ sĩ, học giả nổi tiếng đã vinh dự nhận được giải thưởng cao quý này, như: GS Trần Văn Khê; nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo; nhà nghiên cứu Mịch Quang; nhạc sĩ Thuận Yến; GS, TS Nguyễn Thuyết Phong; GS, TS Thái Kim Lan; NSND Đàm Liên; NSND Bạch Tuyết...

Ở lần trở lại này (sau khoảng trống bốn năm do dịch Covid-19), với việc vinh danh 15 cá nhân và 5 tập thể, Giải thưởng Đào Tấn đã mang đến nhiều dấu ấn và cảm hứng cho những người thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như công chúng.

Ở lần trở lại này (sau khoảng trống bốn năm do dịch Covid-19), với việc vinh danh 15 cá nhân và 5 tập thể, Giải thưởng Đào Tấn đã mang đến nhiều dấu ấn và cảm hứng cho những người thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như công chúng.

Đúng như chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, nét đặc sắc đáng ghi nhận của Giải thưởng Đào Tấn năm nay là không chỉ tôn vinh những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mà còn vinh danh các đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc.

Đó là lý do mà Đội tuồng làng Kẻ Gám (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) - nơi tình yêu tuồng vẫn luôn được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, âm ỉ cháy cùng thời gian; và Câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) - đơn vị tuồng nghiệp dư hiếm hoi ra đời từ những năm 60 của thế kỷ 20 đã được trao Giải thưởng Đào Tấn lần này.

Việc ghi nhận hai đơn vị nghệ thuật bán chuyên nghiệp có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng tại những địa phương không phải là quê hương của tuồng, có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp gìn giữ, trao truyền và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trong cộng đồng giai đoạn hiện nay.

Từ Giải thưởng Đào Tấn lần này, công chúng cũng có cơ hội hiểu hơn về đóng góp của nhiều cá nhân trong những hành trình bền bỉ, âm thầm để lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Tiêu biểu như PGS, TS, họa sĩ Đoàn Thị Tình - người miệt mài tìm về nguồn cội để nghiên cứu, tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống của người Việt suốt nửa thế kỷ qua.

Kể từ cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về trang phục Việt mang tên “Tìm hiểu trang phục Việt Nam” (năm 1987) đến nay, họa sĩ Đoàn Thị Tình đã cho ra mắt hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu liên quan đến mỹ thuật trang phục Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại, từ đời sống đến sân khấu, được giới chuyên môn đánh giá cao (như: “Trang phục Việt Nam”; “Trang phục Thăng Long-Hà Nội”; “Mặt nạ sân khấu tuồng”; “Tính dân tộc trong trang phục sân khấu”; “Mỹ thuật sân khấu Tuồng truyền thống”; “Trang phục người Việt xưa nay”; “Sắc phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”; “Mỹ thuật sân khấu Việt Nam”...).

Ngoài nghiên cứu lý luận mỹ thuật, bà còn thiết kế phục trang cho nhiều vở diễn sân khấu và các bộ phim nổi tiếng. Đó còn là trường hợp nghệ sĩ Phan Thanh Liêm - người sáng tạo và thực hành xuất sắc sân khấu rối nước thu nhỏ ở trong nước và nước ngoài suốt hơn 20 năm qua.

Là hậu duệ đời thứ bảy trong gia tộc có truyền thống múa rối nước ở làng Rạch - cái nôi rối nước nổi tiếng của tỉnh Nam Định - nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sớm nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn là cồng kềnh, khó di chuyển.

Ông đã mày mò sáng tạo ra mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ để rồi mang rối nước truyền thống Việt Nam đi lưu diễn khắp nơi trong nước và hơn 20 nước trên thế giới, quảng bá nét độc đáo của rối nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế...

Hành trình của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán - người từ lâu được giới văn nghệ sĩ đặt cho danh hiệu “Thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ Việt Nam” được trao Giải thưởng Đào Tấn lần này cũng là một câu chuyện của đam mê và hy sinh của người làm nghệ thuật.

Hay như câu chuyện của nghệ sĩ Bình Tinh, người bất ngờ chịu một “cú giáng của số phận” khi phải trải qua nỗi đau tột cùng vì mất đi nhiều người thân là những nghệ sĩ gạo cội của Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long trong những ngày Thành phố Hồ Chí Minh chống chọi với đại dịch Covid-19.

Chị phải một mình gánh vác trọng trách gian khó đến tột cùng là vực dậy Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long, duy trì hoạt động của đoàn và kéo khán giả trở lại với sân khấu tuồng cổ.

Một điều thú vị là thông qua Giải thưởng Đào Tấn lần này, công chúng được tiếp cận những tác phẩm mới đặc sắc, có sự cộng hưởng giữa truyền thống và hiện đại, tiêu biểu như hai ca khúc “Thắm mãi tình anh” và “Đừng tưởng” vừa được nhạc sĩ Đình Thậm sáng tác lấy cảm hứng từ cuộc đời, tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nếu “Thắm mãi tình anh” đi vào lòng người bởi giai điệu trữ tình, trong sáng, gần gũi, thì “Đừng tưởng” thu hút người nghe bởi sự dí dỏm, vui tươi với giai điệu, tiết tấu phỏng theo dân ca Khu 5. Nhạc sĩ Đình Thậm chia sẻ, ông sáng tác những ca khúc này xuất phát từ tình cảm kính trọng, cảm phục dành cho Tổng Bí thư và được truyền cảm hứng từ những câu nói giàu sức nặng của Tổng Bí thư, nhất là những lập ngôn về phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, còn có kịch bản “Lá đơn thứ 72” viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà viết kịch Hoàng Thanh Du. Được Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 2022, cho đến dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 2023, vở diễn đã gây tiếng vang lớn với gần 100 buổi diễn tại Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Bình, Hà Giang...

Vở diễn được trao Giải Đặc biệt tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022 và được giới nghề đánh giá là một trong những tác phẩm sân khấu hay nhất về Bác trong hơn 40 năm qua.

Là một trong 15 người được nhận Giải thưởng Đào Tấn năm nay (Giải Đạo diễn sân khấu xuất sắc), NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam rất vinh dự và xúc động cho biết: “Đây là giải thưởng được nhìn nhận dựa trên cả quá trình lao động nghệ thuật và cống hiến. Tôi thấy bản thân cần có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, đào tạo được nhiều nghệ sĩ trẻ để thắp tiếp ngọn lửa nghệ thuật truyền thống. Tôi mong Giải thưởng Đào Tấn tiếp tục được duy trì, để các văn nghệ sĩ có thêm động lực sáng tạo và cống hiến”.

Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn lần thứ 15 diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội, 15 cá nhân và 5 tập thể đã được vinh danh ở ba hạng mục: Đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc (Đội tuồng làng Kẻ Gám; Câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi); Văn nghệ sĩ xuất sắc (cố điêu khắc gia Nguyễn Sang; nhạc sĩ Đình Thậm; nhà thơ Trần Nhuận Minh; nhà viết kịch Hoàng Thanh Du; PGS, TS, họa sĩ Đoàn Thị Tình; nghệ sĩ Phan Thanh Liêm; nghệ sĩ Bình Tinh; nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán; GS, họa sĩ, nhà điêu khắc Ngô Xuân Bính; NSND Trịnh Thúy Mùi); Đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp xuất sắc (Sân khấu Lệ Ngọc-Đơn vị sân khấu ngoài công lập thành công nhất; giải Nhà lãnh đạo sân khấu xuất sắc dành cho NSND Lệ Ngọc và nghệ sĩ Văn Hải; Nhà hát Chèo Hưng Yên với Vở diễn xuất sắc “Ván cờ oan trái”; giải Nghệ sĩ xuất sắc dành cho nghệ sĩ Nguyễn Thu Phương và Nguyễn Tiến Tùng; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An với vở diễn xuất sắc “Bên dòng Long Khốt”; giải Nghệ sĩ xuất sắc dành cho nghệ sĩ trẻ Thu Mỹ).