Giải thưởng Đào Tấn: Tôn vinh những người yêu văn hóa dân tộc

GS Trần Văn Khê-người được nhận Giải thưởng Đào Tấn 2005.
GS Trần Văn Khê-người được nhận Giải thưởng Đào Tấn 2005.

Chúng ta đã có một số giải thưởng cho các bộ môn nghệ thuật: Tuồng, chèo, cải lương, ca trù... nhưng chúng mang tính chuyên ngành và địa phương, còn Giải thưởng Đào Tấn mang tính mở rộng hơn, gồm những đối tượng không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, quốc tịch... Chỉ cần là người Việt Nam có những đóng góp xuất sắc cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thì đều có thể được đề cử và xét trao giải.

Cơ cấu giải thưởng gồm:

Có năm giải với hai giải thưởng dành cho diễn viên, nghệ sĩ biểu diễn; hai giải dành cho nhà nghiên cứu, nhà quản lý, và một giải dành cho người đóng góp tiền của vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Giải thưởng Đào Tấn được tổ chức hai năm một lần với ý định tạo dựng một giải thưởng về lĩnh vực hoạt động vvăn hóa dân tộc thật uy tín. Số tiền đi kèm với giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên được trao giải là một vinh dự với những người yêu văn hóa dân tộc, bởi Giải thưởng Đào Tấn được thành lập với mục đích tôn vinh danh nhân Đào Tấn và những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc nói chung và di sản Đào Tấn nói riêng.

Thực ra, Giải thưởng Đào Tấn được Viện Sân khấu lập ra từ năm 1995. Tuy nhiên ban đầu, Giải thưởng Đào Tấn được lập ra và ưu tiên cho những người ở quê hương của danh nhân văn hóa này và đã trực tiếp phát huy di sản Đào Tấn.

Nhưng sau đó, giải thưởng đã được mở rộng tới tất cả những người có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Đào Tấn trong cả nước.

Và năm nay, Giải thưởng Đào Tấn sẽ mở rộng, trao cho bảy tập thể, cá nhân có công lớn trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

GS Trần Văn Khê: Mặc dù đã được trao nhiều giải thưởng danh tiếng trên thế giới nhưng được trao Giải thưởng Đào Tấn, tôi thấy rất thú vị. Sau mấy chục năm ở nước ngoài, giờ được mang những kinh nghiệm, tài lực đã tích lũy được về văn hóa dân tộc để phục vụ trong nước nên tôi rất hào hứng đem hết sự hiểu biết của mình góp phần đóng góp tốt nhất cho văn hóa dân tộc. Từ lâu, tôi đã mong muôn ở Việt Nam có một giải thưởng trao cho những nhà hoạt động văn hóa dân tộc xuất sắc để khuyến khích việc bảo tôn phát huy văn hóa dân tộc trong toàn xã hội".

Đó là GS. TS Trần Văn Khê, nhà âm nhạc dân tộc học. Ông đã có công lớn trong việc truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là nhà sáng tạo, nghệ nhân lão thành đờn ca tài tử, một con chim đầu đàn về âm nhạc dân tộc ở miền Nam. Ông đã dành hơn 70 năm để đào tạo các giảng viên nòng cốt ở nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Mình là tập thể duy nhất dược trao giải trong dịp này bởi từ lâu, những nghệ sĩ hát bội Nam Bộ này đã suy tôn Dào Tấn là "Hậu tổ hát bội" và không ngừng nghiên cứu, phát huy phong cách tuồng Đào Tấn.

Nhà văn Dương Trọng Dật, Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc thực hiện nhiều công trình văn hóa dân tộc, GS.TS Thái Kim Lan, nhà nghiên cứu, giảng dạy về nghệ thuật Việt Nam tại Đức, ông Võ Thành Tân, Tổng Giám đốc doanh nghiệp sách Thành Nghĩa cũng được trao Giải thưởng lần này.

Tuy nhiên, có dư luận cho rằng nhiều giải thưởng bây giờ mang tính chất cảm tính, "chia phần" cho những người thân quen. Không biết thực hư thế nào nhưng nhiều người tự hỏi không biết vì sao trong danh sách giải thưởng năm nay bên cạnh tên tuổi, chức danh và thành tích bảo tồn di sản của mỗi cá nhân, ban tổ chức lại nhấn mạnh rằng: "Đã liên kết, hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc", hay "Tài trợ cho nhiều hội thảo khoa học của Trung tâm và đã mời một số GS sang Đức để truyền bá văn hóa dân tộc Việt Nam, hoặc là "Mạnh Thường Quân của văn hóa dân tộc do đã luôn hỗ trợ cho những công trình nghiên cứu và hội thảo".