Giải quyết những bất cập, hạn chế về trật tự an toàn giao thông

Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông cả nước có những chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí nhưng chưa thật sự bền vững, vẫn còn diễn biến phức tạp, thiệt hại do tai nạn giao thông vẫn rất nghiêm trọng. Ý thức chấp hành an toàn giao thông của người dân là vấn đề cần giải quyết lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát đường thủy Công an thành phố Cần Thơ hướng dẫn người dân mặc áo phao đúng cách, bảo đảm an toàn mùa mưa lũ. (Ảnh DUY LINH)
Cảnh sát đường thủy Công an thành phố Cần Thơ hướng dẫn người dân mặc áo phao đúng cách, bảo đảm an toàn mùa mưa lũ. (Ảnh DUY LINH)

Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.

Đằng sau những con số người chết, bị thương là nỗi đau mất mát của nhiều gia đình, của trẻ em mồ côi cha mẹ, một bộ phận người bị thương tật không thể có lại được cuộc sống bình thường…

Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18

Ngày 4/9/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Báo cáo 10 năm thực hiện Chỉ thị 18 của Đảng ủy Công an Trung ương cho thấy, 10 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, tình hình trật tự an toàn giao thông có những chuyển biến tích cực.

Tình trạng ùn tắc tại các thành phố lớn, các quốc lộ trọng điểm được cải thiện, vi phạm chở hàng quá tải trên đường bộ giảm mạnh. Vi phạm của xe quá tải, tình trạng xe cơi nới thành thùng gần như chấm dứt trên toàn quốc, góp phần làm giảm sâu số vụ, số người chết, người bị thương.

So với 10 năm trước, giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết và giảm 44% số người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng bộ tốt hơn trong triển khai thực hiện. Huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, sự đồng thuận trong nhân dân được nâng cao hơn; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đầu tư hạ tầng giao thông, nhiều mô hình mới, cách làm hay, có hiệu quả.

Ở một số địa phương xuất hiện mô hình tiêu biểu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: Mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” do Bộ Công an phối hợp Tỉnh ủy Bắc Ninh xây dựng; quận an toàn giao thông do Quận ủy Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng. Tại nhiều địa phương như Hậu Giang, Quảng Ninh lại tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Chia sẻ những kết quả bước đầu sau ba tháng xây dựng thí điểm mô hình Tỉnh an toàn giao thông, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Mô hình thí điểm đang đi đúng hướng, tạo được khí thế, hiệu ứng mạnh mẽ, vào cuộc tích cực, chủ động ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Việc xây dựng và ban hành bộ quy tắc văn hóa giao thông Bắc Ninh, bộ tiêu chí Tỉnh an toàn giao thông gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo phong trào hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội, nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm của toàn dân; tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công nhân viên, gắn với thực thi văn hóa công vụ và trách nhiệm người đứng đầu. Lấy nhà trường làm gốc, tạo nền tảng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai...

Việc xây dựng và ban hành bộ quy tắc văn hóa giao thông Bắc Ninh, bộ tiêu chí Tỉnh an toàn giao thông gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo phong trào hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội, nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm của toàn dân; tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công nhân viên, gắn với thực thi văn hóa công vụ và trách nhiệm người đứng đầu.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn

Bên cạnh đó, là sự phối hợp đồng bộ về chuyển đổi số trong quản lý, điều hành giao thông; siết chặt hoạt động quản lý vận tải, phương tiện; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc kiên quyết, đẩy mạnh việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giao thông, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 trung bình mỗi ngày xử lý khoảng hai nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Tăng cường xử lý phương tiện vận tải quá khổ, vi phạm trọng tải, tốc độ; nâng cao hình ảnh của lực lượng được giao nhiệm vụ, góp phần giảm 14,85% tai nạn giao thông, 16,07% người chết, 7,19% người bị thương so với cùng kỳ. Kết quả này không chỉ tác động trực tiếp đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông, còn góp phần giảm tội phạm do sử dụng rượu, bia.

Nhận thức tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức chấp hành, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước nhân dân, nhiều địa phương ban hành văn bản cấm cán bộ, đảng viên có ý kiến can thiệp vào việc xử phạt của lực lượng chức năng và có hình thức xử lý nghiêm đối với cán bộ, nhân viên vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Một số tỉnh như Nghệ An, Thái Bình đã xử lý tổ chức cơ sở đảng, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; lấy việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan đơn vị, là tiêu chí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Nâng cao sự lãnh đạo của Đảng

Giải quyết những bất cập, hạn chế về trật tự an toàn giao thông ảnh 1

Cảnh sát giao thông phát mũ bảo hiểm tặng người dân. (Ảnh HOÀNG DUY)

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bất cập, hạn chế, như: Triển khai thực hiện Chỉ thị 18 ở một số địa phương và đảng bộ còn chậm; việc tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các sở, ban, ngành còn hạn chế, chưa đồng bộ, chủ yếu vẫn là hai lực lượng công an và ngành giao thông vận tải.

Việc di dời một số cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp ra khỏi các thành phố lớn chưa hoàn thành. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ; tình trạng xe dù, bến cóc vẫn diễn biến phức tạp.

Chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở một số địa phương còn lạc hậu, thiếu thực tế, dẫn đến người điều khiển không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, ra thực tế gặp nhiều bỡ ngỡ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Công tác đăng ký, quản lý phương tiện còn hạn chế; công tác kiểm định chưa đạt hiệu quả.

Hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa tương xứng với thực tế vi phạm, có nơi có lúc xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để...

Đánh giá về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, tại Thủ đô Hà Nội vẫn còn những bất cập, hạn chế mà chính quyền cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, đó là: ùn tắc giao thông vẫn diễn ra; tai nạn giao thông tuy giảm đều qua các năm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, chưa đạt kỳ vọng; một số hành vi vi phạm giao thông mặc dù đã được các lực lượng chức năng kiên quyết, kiên trì xử lý nhưng vẫn “nóng”, “nổi cộm”. Nhiều tuyến đường, tuyến phố nội đô còn bừa bộn, chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc của Thủ đô.

Tại Thủ đô Hà Nội vẫn còn những bất cập, hạn chế mà chính quyền cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, đó là: ùn tắc giao thông vẫn diễn ra; tai nạn giao thông tuy giảm đều qua các năm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, chưa đạt kỳ vọng; một số hành vi vi phạm giao thông mặc dù đã được các lực lượng chức năng kiên quyết, kiên trì xử lý nhưng vẫn “nóng”, “nổi cộm”.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn

Để giải quyết gốc rễ các bất cập, hạn chế tồn tại, cần có sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ban, ngành, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhân dân, sự tham gia quyết liệt của các cơ quan, đơn vị từ cấp trung ương đến cơ sở, sự đồng tình, ủng hộ cao của đông đảo quần chúng, mà trước hết là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa của tổ chức đảng các cấp đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới là chủ trương rất kịp thời đúng đắn, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và quần chúng nhân dân thực hiện các giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể, lâu dài.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23, cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức đảng từ thành phố đến cơ sở, địa phương để triển khai, thực hiện bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả.

Trong đó, huy động tối đa nguồn lực và ưu tiên xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Đẩy mạnh công tác triển khai và hoàn thành các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch các trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan hành chính nhà nước, các trường học, bệnh viện, các bến, bãi đỗ xe, khu công nghiệp...

Nâng cao tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông, đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (như bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng...), khởi công các dự án giao thông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực...

Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ, buông lỏng quản lý để tình hình vi phạm diễn biến phức tạp.

Nhận thức được vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chỉ thị 23. Trong đó tập trung xây dựng Chương trình hành động cụ thể; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tự giác tham gia và vận động người khác cùng thực hiện; lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào các phong trào, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Văn hóa giao thông”... tạo môi trường, điều kiện để mọi người dân đều được tham gia. Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực này.