Giải quyết dứt điểm vướng mắc tại các công ty nông, lâm nghiệp

Những vướng mắc liên quan đến đất đai, tài chính, sử dụng lao động và cơ chế quản lý của các công ty nông, lâm nghiệp, vẫn là những bất cập lớn, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương để bảo đảm lợi ích của Nhà nước và các doanh nghiệp sau khi thực hiện việc chuyển đổi, sắp xếp lại theo quy định.
Cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng phát hiện, xử lý một trường hợp khai thác rừng tự phát trên đất nông trường.
Cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng phát hiện, xử lý một trường hợp khai thác rừng tự phát trên đất nông trường.

Bài 2: Thúc đẩy sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Theo đánh giá của Chính phủ, sau sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã có một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam..., hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đã tạo việc làm cho người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định chính trị-xã hội và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn nhiều vướng mắc, đến nay vẫn còn 95 công ty chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới (chiếm 37%) tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 2 tổng công ty.

Còn một số công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới, hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu ban đầu, phải tiếp tục sắp xếp lại; còn nhiều điểm nghẽn tác động tiêu cực tới kết quả sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp chưa được xử lý triệt để, nhất là vấn đề liên quan xử lý đất đai...

Trước thực tế đó, ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về việc thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 20/9/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 7080/BNN-TC đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quản lý công ty nông, lâm nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan khẩn trương xây dựng phương án tổng thể hoặc phương án điều chỉnh sắp xếp, đổi mới; tập trung xử lý các vướng mắc, khó khăn để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai.

Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt, quỹ đất cho thuê, giao cho các đối tượng quản lý, sử dụng đạt 99,8% tổng diện tích đất tự nhiên. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đạt 99% so với diện tích cần cấp giấy.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là đất nuôi trồng thủy sản, đất của các công ty nông, lâm nghiệp của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chưa hiệu quả. Tình trạng lấn, chiếm đất công còn xảy ra tại một số nơi; công tác quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển chưa thật sự chặt chẽ...

Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, cơ bản xử lý dứt điểm tình trạng lấn, chiếm đất công, đất nông, lâm trường, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nếu đủ điều kiện.

Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng Nguyễn Khánh Toàn cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền trong tỉnh, hiện nay diện tích đất tại các phân trường do Công ty quản lý được sử dụng cơ bản hiệu quả. Đất được cắm cọc và ranh giới rõ ràng, được rà soát và đưa vào phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định.

Tại các nông trường khác, một phần diện tích đất bị lấn, chiếm đã được xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, góp phần giải quyết chính sách giao đất sản xuất, ổn định cuộc sống cho một bộ phận nhân dân. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng Ngô Thái Chân khẳng định, đơn vị phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện dự án, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế.

Qua đó kịp thời phát hiện các trường hợp thực hiện dự án không đúng quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai để lập thủ tục thu hồi dự án theo quy định. Tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật đất đai cho các tổ chức kinh tế nhằm hạn chế xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh nhất là trường hợp vi phạm phải thu hồi đất.

Thực hiện Thông báo số 345/TB-VPCP ngày 23/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chuyển diện tích đất có nguồn gốc do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý, ngày 18/9/2023, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 2114/QĐ-UBND, thành lập Tổ công tác thực hiện rà soát công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý.

Chỉ đạo rà soát diện tích đất Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình đề nghị giữ lại mà trùng vào các quy hoạch, các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và trùng với diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân.

Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đôn đốc, hướng dẫn các công ty nông, lâm nghiệp hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý để trình UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất theo quy định, UBND cấp huyện lập phương án sử dụng quỹ đất đã được UBND tỉnh thu hồi, bàn giao về cho địa phương quản lý, để thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; phối hợp với cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của các công ty nông, lâm nghiệp.

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện, các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia tiếp tục rà soát quỹ đất được Nhà nước giao cho các đơn vị quản lý, để đề xuất phương án xử lý đối với diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không có nhu cầu sử dụng, không đúng mục đích sử dụng đất,...

Cũng như hai tỉnh Sóc Trăng, Hòa Bình, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tập trung, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các công ty nông, lâm nghiệp sau khi đổi mới, sắp xếp lại. Để đồng hành cùng các địa phương, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hiệu quả các chính sách liên quan.

Tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023, Quốc hội đã giao nhiệm vụ Chính phủ: "Trong năm 2024, hoàn thành rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp". Theo chương trình công tác năm 2024 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Kết luận số 82-KL/TW, kết quả thực hiện của các bộ, địa phương, các công ty nông, lâm nghiệp là cơ sở thực tiễn phục vụ công tác tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị.

Vì vậy, thời hạn yêu cầu hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp từ nay đến hết năm 2024 là rất khẩn trương, nặng nề. Do đó, các ngành, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo kết luận của Bộ Chính trị và Quốc hội, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế và an sinh xã hội…