Giải quyết dứt điểm vướng mắc tại các công ty nông, lâm nghiệp

Triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Cùng những kết quả, đến nay còn những hạn chế gây khó khăn cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện công tác này...
Sân golf Hill Top xây dựng trên đất của Công ty lâm nghiệp Hòa Bình khi chưa cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Sân golf Hill Top xây dựng trên đất của Công ty lâm nghiệp Hòa Bình khi chưa cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bài 1: Nhiều bất cập chưa được giải quyết

Hiện nay ở các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được thành lập, những vấn đề liên quan tài chính doanh nghiệp, quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất và các tranh chấp pháp lý liên quan vẫn còn tiếp tục diễn ra, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương và hoạt động của các doanh nghiệp…

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp trong cả nước đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới; tái cơ cấu, duy trì nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp. Tuy vậy, còn không ít doanh nghiệp sau khi thành lập và đi vào hoạt động vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó còn tình trạng lấn chiếm đất đai, vướng mắc về tài chính, sử dụng lao động, hợp tác đầu tư… sau khi sắp xếp, chuyển đổi.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 8.500 ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường, phân bố ở thị xã Vĩnh Châu, Ngã Năm và các huyện Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Châu Thành. Do nhiều nguyên nhân, hiện nay phần lớn các khu đất đã bị lấn chiếm. Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, trước đây có bốn nông trường, với tổng diện tích đất là 1.369,26 ha. Do việc quản lý không chặt chẽ, đã có hàng trăm héc-ta đất bị bao chiếm trong thời gian dài.

Riêng tại Nông trường Dừa, người dân đã bao chiếm 438,61 ha đất và sử dụng trong thời gian dài. Năm 1986, Nông trường Huyện ủy cũng được thành lập với diện tích đất là 379,6 ha, có nguồn gốc là đất bãi bồi, đất rừng. Sau đó giao khoán cho một số hộ dân sản xuất, nuôi tôm. Đến năm 1990, Nông trường Huyện ủy giải thể, những hộ nhận khoán tiếp tục sử dụng đất.

Hiện nay, đất do Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu quản lý, nhưng người dân đã bao chiếm, sử dụng khoảng 335,33 ha đất. Cũng tại địa bàn thị xã Vĩnh Châu, các nông trường: Quân khu 9, Công an tỉnh cũng bị người dân bao chiếm, sử dụng hơn 100 ha đất. Tại các huyện Cù Lao Dung, Châu Thành, Mỹ Tú, các nông trường: 30/4, 416, Phú Lợi, Mỹ Phước cũng bị người dân lấn chiếm hàng trăm héc-ta đất để làm nhà ở và tăng gia sản xuất.

Để quản lý, sử dụng và khai thác đất rừng sản xuất có hiệu quả, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành phương án quản lý, sử dụng đất rừng sản xuất được phê duyệt tại Quyết định số 2711/QĐ-UBND, ngày 23/10/2017. Theo đó, giao Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng tiếp tục sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp và trụ sở công ty với diện tích gần 2.000 ha; chuyển diện tích đất lâm nghiệp sang đất ở, đất nông nghiệp, đất khác hơn 2.000 ha.

Trong quá trình chuyển đổi quản lý, nhiều hộ dân đã lấn chiếm diện tích rừng khá lớn. Cụ thể, theo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng, đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh cho thuê để quản lý, sử dụng tổng diện tích Phân trường Mỹ Phước, Phân trường Phú Lợi và Phân trường Thạnh Trị sau khi đo đạc thực địa đã bị giảm 25,98 ha đất do bị người dân bao chiếm…

Tại tỉnh Hòa Bình, thực hiện phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình đã chuyển sang thuê đất; từ năm 2013 đến năm 2014, UBND tỉnh quyết định cho Công ty thuê đất với tổng diện tích 9.804,29 ha, tại các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Thủy, Lạc Sơn và thành phố Hòa Bình. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký hợp đồng thuê đất cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình với diện tích 8.024,96/9.804,29 ha (chiếm 81,88%).

Diện tích đã ký hợp đồng thuê đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận do cần phải rà soát, điều chỉnh diện tích chồng lấn với các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng và chồng lấn với các dự án tại các huyện, thành phố. Thực tế, UBND tỉnh Hòa Bình đã thu hồi 11.938,16 ha/12.972,61 ha đất do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình không có nhu cầu sử dụng giao về địa phương quản lý.

Riêng tại huyện Kim Bôi, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Quang Hòa, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát diện tích đất đai do các nông, lâm trường đang quản lý, xác định diện tích nông, lâm trường giữ lại và diện tích trả địa phương.

Huyện đã ban hành quyết định thu hồi diện tích đất của các nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng để giao UBND huyện quản lý và đưa vào sử dụng. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Thanh Hà Hòa Bình là 142,35 ha, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Hòa Bình là 852,54 ha; đồng thời quyết định cho thuê đất đối với diện tích các nông, lâm trường giữ lại tiếp tục sử dụng.

Việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cho cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, trường hợp các hộ có đất làm nhà ở ổn định, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nay khi xét duyệt hồ sơ giao đất gặp vướng mắc trong việc áp dụng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tương tự như huyện Kim Bôi, huyện Tân Lạc cũng gặp khá nhiều vướng mắc trong công tác quản lý, giao quyền sử dụng đất nông, lâm trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Duy Khải cho biết, hiện trạng diện tích đất do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình bàn giao cho UBND huyện Tân Lạc quản lý là 1.527,88 ha; đến nay đã được tỉnh phê duyệt phương án sử dụng. Tuy vậy, đối với diện tích đất doanh nghiệp giữ lại vẫn xảy ra tình trạng bị lấn chiếm, đất được tỉnh giao cho huyện sử dụng thì đến nay chưa thực hiện được do thiếu kinh phí. Huyện kiến nghị doanh nghiệp bàn giao lại diện tích đất không sử dụng mà các hộ đã trồng rừng từ trước năm 1995 cho địa phương để giao quyền sử dụng đất cho các hộ sản xuất theo thẩm quyền và bố trí kinh phí cho huyện để triển khai phương án sử dụng đất hiệu quả.

Cũng như Sóc Trăng, Hòa Bình, hiện tại các địa phương như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Cần Thơ... đang quyết liệt thực hiện đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Nhiệm vụ chính là rà soát, đo đạc, lập, chỉnh lý hồ sơ ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ các loại đất; xây dựng phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, phương án sử dụng đất bàn giao về cho địa phương.

Theo đánh giá chung, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên bên cạnh đó, những vướng mắc vẫn còn do hồ sơ về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường còn thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ; hồ sơ, tài liệu giao đất cho các nông, lâm trường qua các thời kỳ chưa thể hiện, xác định được ranh giới ngoài thực địa.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật còn chưa được triển khai sâu rộng nên phần lớn người nhận khoán nhận thức đất nhận khoán thuộc quyền sử dụng của mình, các công ty nông, lâm nghiệp không can thiệp được việc sử dụng đất của người nhận khoán dẫn đến phương án sản xuất, kinh doanh không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tình hình tài chính của nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau khi thành lập chưa được cải thiện, hiệu quả sản xuất, kinh doanh hạn chế; việc làm, thu nhập của người lao động vẫn ở mức thấp. Một số công ty nông, lâm nghiệp khi thực hiện sắp xếp chưa xử lý được các khoản nợ từ nguồn vốn vay của các chương trình, dự án 327, 661, ODA, vốn vay ngân hàng; hồ sơ giải thể của một số công ty không đầy đủ chứng từ để đối chiếu công nợ, chưa có hướng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Bên cạnh đó, một số công ty nông, lâm nghiệp sau chuyển đổi mô hình chưa thu hút được vốn, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất dẫn đến hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông lâm sản, hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.

Nguyên nhân là do quá trình hình thành, sắp xếp và đổi mới công ty nông, lâm nghiệp có tính lịch sử, phức tạp, diễn ra trong một thời gian dài; trên địa bàn rộng lớn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều quy định pháp luật nhất là về quản lý đất đai cần có nguồn tài chính và thời gian mới có thể giải quyết dứt điểm.

Một số địa phương thiếu chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt; sự phối hợp giữa các cấp và các ngành một số nơi chưa chặt chẽ, có biểu hiện "khoán trắng" cho ban chỉ đạo và cơ quan chuyên ngành. Cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn. Một số địa phương áp dụng quy định pháp luật chưa phù hợp gây khó khăn, kéo dài thời gian trong việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp…

(Còn nữa)

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhận định, năng lực quản lý nhà nước về đất đai hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng đất nông nghiệp, đất dự án bị bỏ hoang còn nhiều; chưa giải quyết được một số vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025, giải quyết cơ bản những vướng mắc liên quan đến quản lý và sử dụng đất.