Tham dự của các chuyên gia, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề khu vực miền nam cùng hơn 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ trong ngành ô-tô.
Trong những năm gần đây thị trường xe điện cũng như cơ sở hạ tầng cho xe điện đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển giao thông xanh nhằm đáp ứng mục tiêu đạt Net Zero 2050 mà Chính phủ đã đề ra.
Ông Lê Lập Sơn, Phó Giám đốc Công ty Tân Phát Etek cho biết: “Để nắm bắt những cơ hội từ sự tăng trưởng thị trường xe điện, nhu cầu về dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe điện ngày càng tăng đòi hỏi các đơn vị làm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, phù hợp, an toàn”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Công nghệ ô-tô Đại học Bình Dương chia sẻ thông tin tại hội thảo. |
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Công nghệ ô-tô Đại học Bình Dương thông tin về xu hướng phát triển của xe ô-tô điện ở các nước trên thế giới và xu hướng phát triển ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo đó, trên thế giới, xe điện đã xuất hiện từ những năm 2015 với khoảng 600 nghìn xe; đến năm 2021 đạt 6,4 triệu xe; năm 2024 đã đạt được 15,7 triệu xe và dự kiến 2025 toàn thế giới đạt 19,5 triệu xe (nguồn: IDTechEx research).
Đặc biệt, ở thị trường Trung Quốc, năm 2020 tỷ lệ xe điện chiếm 5,4% trong tổng lượng xe nội địa nhưng đến tháng 7/2024 tỷ lệ xe điện đã tăng vọt lên 51%.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống trụ, trạm sạc xe điện
Tại thị trường Việt Nam, xe điện bắt đầu xuất hiện từ năm 2022, chiếm tỷ lệ 1,5% trên tổng lượng xe ô-tô nội địa, đến năm 2023 đã tăng lên 9,4% và đến tháng 7/2024 đã đạt 12%.
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra lộ trình trong công cuộc “Chuyển đổi xanh”. Cụ thể, đến năm 2025, 100% xe buýt lưu thông sẽ chuyển đổi sang xe điện. Năm 2030, 100% xe taxi sẽ chuyển sang xe điện, năm 2040 dừng sản xuất và nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Và mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông sẽ chuyển đổi sang xe điện.
Khách tham quan các giải pháp hạ tầng tiện ích cho xe điện. |
Nhằm mục đích hỗ trợ, phối hợp phát triển hạ tầng cho giao thông xanh tại Việt Nam, tiến tới đạt mục tiêu Net Zero 2050, nhận thấy vai trò của các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho xe ô tô là rất lớn, các chuyên gia của Tân Phát Etek đã tiên phong nghiên cứu và giới thiệu nhiều gói giải pháp để nâng cấp hạ tầng như: nhà xưởng, trạm sạc, cơ sở vật chất và các giải pháp nâng cao trình độ đội ngũ kỹ thuật viên.
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo còn kết hợp với các hoạt động thực nghiệm để các doanh nghiệp trực tiếp trải nghiệm và đánh giá hiệu quả cho các phương án đầu tư, thay đổi và phát triển hạ tầng giao thông xanh trong thời gian tới.
Tiếp theo thành công của hội thảo lần này, Tân Phát Etek sẽ triển khai thêm nhiều sự kiện và hội thảo với chuyên đề tương tự tại các khu vực khác trên toàn quốc nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh một cách nhanh chóng, toàn diện và hiệu quả nhất theo đúng định hướng của Chính phủ.