Nỗ lực tự đổi mới
Phóng viên: Đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là yêu cầu cần thiết, khách quan của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai, làm cho bộ máy chính quyền ở địa phương làm việc hiệu quả hơn. Là người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cá nhân ông nghĩ sao về điều này?
Ông Thái Bảo: Chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, thể hiện quyền và trách nhiệm của từng đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đối với những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo quy định của pháp luật thì chất vấn là việc đại biểu Hội đồng nhân dân nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên của Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và yêu cầu trả lời về trách nhiệm cá nhân đối với vấn đề được nêu. Chính vì vậy, đây là hoạt động luôn được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm, chú ý theo dõi.
Thông qua chất vấn, cử tri thấy được hoạt động của đại biểu, của cơ quan dân cử và những vấn đề bức xúc của cử tri được đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm, được đưa ra phân tích “mổ xẻ”, giúp cho người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan-đối tượng giám sát trong chất vấn của Hội đồng nhân dân thấy được những mặt còn hạn chế thuộc trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền, từ đó có biện pháp, giải pháp kịp thời khắc phục.
Vì vậy, đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn còn đồng thời thể hiện được vai trò, vị thế, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân- cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và vai trò, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Phóng viên: Ông có thể điểm qua một vài kết quả nổi bật từ nỗ lực đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng chất vấn trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai từ đầu năm 2024 đến nay?
Ông Thái Bảo: Để hoạt động chất vấn thực sự mang lại hiệu quả tích cực, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai phải dành nhiều thời gian khảo sát nắm bắt tình hình thực tế, luôn lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của cử tri, nắm chắc kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, kết quả thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, nhất là đối với những vấn đề còn bất cập, hạn chế, để từ đó xác định nội dung, vấn đề, lĩnh vực, cá nhân phụ trách cần đưa ra bàn thảo, chất vấn.
Và do đó, nội dung được lựa chọn chất vấn luôn là những vấn đề “nóng”, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Có thể nói, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai có nhiều cải tiến, đổi mới, sát với thực tiễn, mang lại những hiệu quả tích cực.
Riêng tại hai kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, có 11 vấn đề “nóng” được Hội đồng nhân dân tỉnh đưa ra chất vấn trực tiếp, liên quan đến việc khai thác nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh; thẩm định và phê duyệt các đề án, dự án khoa học và công nghệ, ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu và nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm an toàn lao động liên quan đến các vụ ngộ độc thực phẩm và tai nạn lao động nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông và hạn chế tai nạn giao thông; việc thực hiện quy hoạch dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao tỉnh; trách nhiệm của ngành Tòa án còn để tồn đọng số lượng lớn án dân sự kéo dài nhiều năm chậm đưa ra xét xử; hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng, tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Những vấn đề mang tính thời sự trên đã được phân tích, xem xét thấu đáo dưới nhiều góc độ, cử tri và nhân dân nhận thấy những nỗ lực, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là đối với những vấn đề cụ thể còn hạn chế, vướng mắc, cần có giải pháp sớm khắc phục.
Ba Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trả lời chất vấn tại kỳ họp thường lệ Hội đồng nhân dân tỉnh giữa năm 2024 ̣(trong ảnh là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nguyễn Thị Hoàng trả lời chất vấn). |
Ngoài ra, sau mỗi phiên chất vấn, nghị quyết về hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng được ban hành với nội dung kèm theo hàng loạt yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan thực hiện và Hội đồng nhân dân tỉnh sâu sát theo dõi, giám sát.
Nhờ đó đã có những tác động tích cực đến hoạt động của các cơ quan và người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và bảo đảm việc tuân thủ, thượng tôn pháp luật.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, hoạt động chất vấn có hiệu lực, hiệu quả cao chỉ sau hoạt động giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm, do đó cần phải xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Thực tế, Nghị quyết về phiên chất vấn trả lời chất vấn mà Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành sau mỗi kỳ họp thường kỳ, đã được thủ trưởng “tư lệnh ngành” ở địa phương quan tâm thực hiện ra sao, qua đó thúc đẩy lộ trình chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, thiếu sót trên từng lĩnh vực như thế nào, thưa ông?
Ông Thái Bảo: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu cũng là hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá công bằng của Hội đồng nhân dân đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác (cả ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm) của những người được lấy phiếu tín nhiệm trong một khoảng thời gian nhất định (theo quy định là giữa nhiệm kỳ), nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Hoạt động chất vấn cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan trong bộ máy nhà nước đối với từng vấn đề còn hạn chế, thiếu sót đang nổi lên trong thời điểm cụ thể được cử tri và nhân dân quan tâm.
Vì vậy, việc cho rằng, hoạt động chất vấn có hiệu lực, hiệu quả cao chỉ sau hoạt động giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm trên thực tế cũng chưa hẳn như vậy, nếu vấn đề được đưa ra chất vấn “đúng và trúng”, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, lộ trình thực hiện và việc theo dõi, giám sát đến cùng kết quả thực hiện cam kết, lời hứa sau chất vấn thì hiệu lực, hiệu quả cũng sẽ rất lớn không kém gì việc lấy phiếu tín nhiệm.
Mặt khác, những cam kết, lời hứa của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không chỉ đối với đại biểu Hội đồng nhân dân mà còn đối với cử tri và nhân dân toàn tỉnh thông qua truyền hình trực tiếp tại mỗi phiên chất vấn.
Thực tế, sau mỗi phiên chất vấn, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành các quyết định tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh, thủ trưởng “tư lệnh ngành” cơ bản đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp đề ra, có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự quan tâm hơn, trách nhiệm hơn trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, chấn chỉnh hạn chế trong từng lĩnh vực qua chất vấn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương.
Đối với những vấn đề cần có thời gian, lộ trình hoặc do tác động bởi những yếu tố khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, qua chất vấn để có kiến nghị trong thời gian tới.
Thực hiện chức năng giám sát, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh luôn theo dõi, giám sát, kịp thời đôn đốc việc triển khai thực hiện các vấn đề được chất vấn.
Chung tay dẫn dắt đưa Đồng Nai “cất cánh”
Phóng viên: Theo quan sát của cá nhân ông, những biểu hiện hạn chế đang tồn tại trong hoạt động chất vấn- trả lời chất vấn tại diễn đàn kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai cần khắc phục cấp bách hiện nay là gì?
Ông Thái Bảo: Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thời gian qua, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Thứ nhất là, có lúc có nơi vẫn còn có biểu hiện nể nang, e dè khi nêu vấn đề chất vấn của đại biểu. Đa số ý kiến chất vấn đều có sự tham gia tích cực của đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan đảng, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Trong khi đó, đại biểu Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan, các ngành, địa phương trực thuộc Ủy ban nhân dân còn ít nêu vấn đề chất vấn thuộc phạm vi chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân hoặc nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực khác và trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan thuộc thành viên Ủy ban nhân dân khi có những vấn đề hạn chế, bức xúc; và càng rất ít khi đặt vấn đề chất vấn đối với chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Thứ hai là, còn hạn chế tranh luận của nhiều đại biểu trong từng vấn đề chất vấn.
Thứ ba là, việc trả lời của người được chất vấn vẫn có trường hợp chưa đi thẳng vào trọng tâm, xác định rõ trách nhiệm và đề ra biện pháp đồng bộ, khả thi để thực hiện tốt hơn vấn đề còn hạn chế.
Đại biểu dân cử ngày càng phát huy tốt vai trò thông qua diễn đàn chất vấn-trả lời chất vấn. |
Để khắc phục những hạn chế trên trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, đòi hỏi mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, thể hiện được bản lĩnh, tự tin và nghị lực, không nể nang, e ngại va chạm khi nêu vấn đề chất vấn.
Trong chất vấn và trả lời chất vấn không đơn thuần chỉ có người hỏi và người đáp, mà cần có sự tham gia tranh luận tích cực của nhiều đại biểu để đi đến cùng của vấn đề, làm sáng tỏ trách nhiệm, nguyên nhân của vấn đề, để xác định được giải pháp phù hợp, khả thi.
Muốn thực hiện được yêu cầu này, đại biểu cần tích cực tham gia các hoạt động khảo sát, giám sát, nắm chắc tình hình thực tiễn, luôn lắng nghe “hơi thở” cuộc sống người dân; đồng thời nắm đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan đến vấn đề chất vấn.
Người trả lời chất vấn phải luôn cầu thị, thể hiện tinh thần trách nhiệm, dũng khí trong việc dám nhận trách nhiệm đối với những hạn chế và quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp khắc phục.
Phóng viên: Trước yêu cầu thực tiễn đưa Đồng Nai “cất cánh” phát triển, cũng như đáp ứng lòng mong đợi, tin tưởng của đông đảo cử tri, hoạt động chất vấn- trả lời chất vấn sẽ được Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục đổi mới “đột phá” theo hướng nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Thái Bảo: Theo quan điểm của Đảng ta, con người là nhân tố trung tâm của mọi cuộc cách mạng, của tất cả quá trình chuyển đổi, là động lực cũng là mục tiêu của phát triển xã hội. Trước yêu cầu thực tiễn đưa Đồng Nai “cất cánh” phát triển đáp ứng lòng mong đợi, tin tưởng của đông đảo cử tri, thì cũng là yếu tố con người.
Một trong những yếu tố có tính quyết định nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp, từ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định đoạt những vấn đề quan trọng của địa phương, đến nâng cao chất lượng hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng, xét cho cùng chính là vai trò của các đại biểu Hội đồng nhân dân.
Vì lẽ đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong đó có hoạt động chất vấn, thì cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu Hội đồng nhân dân; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử; khắc phục kịp thời những mặt còn hạn chế trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn như đã đề cập ở trên.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 06-ĐA/TU ngày 16/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031”.
Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Hội đồng nhân dân trong hệ thống chính trị-cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, chung tay “phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành địa phương phát triển kinh tế hàng đầu cả nước; là tỉnh văn minh, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu cả nước”theo như kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai vừa qua.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!