Giải pháp nào để cân bằng cung-cầu thị trường bất động sản?

NDO - Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phát triển mạnh nhưng không ít bất cập, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp để cân bằng cung-cầu bất động sản, một nội dung trọng tâm dự kiến sẽ được đưa ra bàn thảo tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội ngay đầu tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá quá cao so với thu nhập của người dân, trong khi đó việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
Thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá quá cao so với thu nhập của người dân, trong khi đó việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Đang tồn tại tình trạng "lệch pha" cung-cầu bất động sản

Trao đổi bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu tình trạng đầu cơ, thổi giá đất không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn mà còn ở cả các vùng xa thành phố. Song song với đó, hàng loạt dự án bỏ hoang lãng phí, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) - thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023” đã chia sẻ những bất cập phổ biến mà đoàn giám sát đã ghi nhận, trong đó nổi cộm là tình trạng thổi giá đất.

Tình trạng này đã gây ra các đợt sốt ảo tại nhiều khu vực nhờ chiêu trò đấu giá tạo mặt bằng giá mới, nhưng thực chất không phản ánh đúng giá trị.

Giải pháp nào để cân bằng cung-cầu thị trường bất động sản? ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ).

Đại biểu cho biết, có thực trạng nhiều dự án dang dở, bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực trong khi nhu cầu nhà ở lại lớn, một phần là do chính sách bất động sản thay đổi liên tục, chưa đồng bộ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng bất động sản bỏ hoang trong khi người lao động vẫn khó khăn tìm nơi ở.

Ông Ngân nhấn mạnh, người lao động mong muốn có một nơi ở hơn là sở hữu tài sản, do đó cần có các biện pháp phát triển thị trường nhà cho thuê và nhà ở xã hội cho người lao động.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là sự "lệch pha" giữa giá nhà và khả năng chi trả của người dân. Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn thiếu, đặc biệt ở những vị trí thuận lợi.

Giải pháp nào để cân bằng cung-cầu thị trường bất động sản? ảnh 4
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình).

Đại biểu Hiếu cho rằng, chất lượng quy hoạch hạn chế, vướng mắc pháp lý phức tạp là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị đình trệ.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất giải pháp tiếp tục triển khai các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra nhằm tránh lãng phí. Ông nhận định rằng việc tiếp tục triển khai các dự án này có thể bổ sung hàng nghìn căn hộ vào quỹ nhà ở.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, đối với các dự án đã xử lý sai phạm, cần có phương án tiếp tục triển khai để vừa chống lãng phí khi các dự án bị đóng băng được tái khởi động, vừa đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người dân.

Giải pháp nào để cân bằng cung-cầu thị trường bất động sản? ảnh 5
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng cần quản lý thị trường bất động sản dựa trên kết quả đầu ra, đồng thời gỡ vướng pháp lý cho các dự án đã triển khai nhằm thúc đẩy nguồn cung bất động sản.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê

Để cân bằng cung-cầu bất động sản, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có những giải pháp dài hạn như khuyến khích phát triển nhà ở xã hội và nhà cho thuê.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh rằng Luật Nhà ở và Luật Đất đai sửa đổi sẽ là công cụ để giảm thiểu chồng chéo trong chính sách, nhưng cần tiếp tục rà soát các quy định, đặc biệt là việc sử dụng quỹ đất cho nhà ở xã hội. Việc cải cách các thủ tục xét duyệt cũng là một giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này.

Giải pháp nào để cân bằng cung-cầu thị trường bất động sản? ảnh 6

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).

Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn 2015-2023, ngân sách cho nhà ở xã hội chủ yếu dựa vào nguồn ngoài ngân sách. Điều này khiến các doanh nghiệp không mặn mà khi các thủ tục xét duyệt rườm rà làm tăng chi phí, kéo dài thời gian hoàn vốn.

Đại biểu Nga cho rằng, cần xây dựng các chính sách ưu đãi doanh nghiệp khi đầu tư vào nhà ở xã hội, đồng thời khuyến khích các mô hình thuê nhà ở xã hội để phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, công nhân, người lao động.

Các đại biểu cũng cho rằng một giải pháp căn cơ là áp dụng thuế đối với trường hợp sử dụng nhiều đất, giảm thiểu tình trạng tích trữ đất đai và bất động sản bỏ hoang.

Đại biểu Phan Đức Hiếu nhận định, nếu áp dụng chính sách thuế hợp lý đối với người sở hữu nhiều đất, sẽ thúc đẩy việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất.

Bên cạnh đó, đại biểu Hiếu cũng cho rằng, việc ban hành các chính sách tín dụng phù hợp đối với từng phân khúc bất động sản cũng cần được cân nhắc.

Theo đó, vay mua căn nhà đầu tiên sẽ có chính sách tín dụng khác với vay mua căn nhà thứ 2, thứ 3, bảo đảm nguồn vốn vay hỗ trợ người dân thật sự có nhu cầu ở, tránh tình trạng đầu cơ.