Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đường bờ biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Hà Tiên (Kiên Giang) có tổng chiều dài 3.260 km, trung bình cứ 100 km2 có một km bờ biển. Đặc điểm nổi bật của bờ biển nước ta là khúc khuỷu, nhiều eo, vụng, vũng ven bờ, trung bình cứ 20 km chiều dài đường bờ biển có một con sông chảy cắt ngang, với khoảng 114 cửa sông đổ ra biển.
Đặc biệt thiếu ổn định là vùng bờ biển miền trung, với chủ yếu là đụn cát, đồi cát, độ dốc từ 1/5 đến 1/500, có nguồn gốc và quá trình hình thành phức tạp và diễn ra trong khoảng thời gian dài. Dọc theo dải ven biển miền trung còn có những dãy núi đua ra biển tạo ra các vụng, vịnh lớn, ngoài các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình tác động đến hình thái đường bờ biển. Do vậy nhìn chung, đây là vùng bờ biển không ổn định, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Riêng chiều dài bờ biển 10 tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Phú Yên khoảng 1.152 km. Nơi đây có địa hình xen kẽ giữa đồng bằng nhỏ hẹp và dải cồn cát ven biển. Hệ thống sông ngòi nơi đây ngắn, dốc không đều, chênh lệch nhiều giữa thượng lưu và hạ lưu, nhiều cửa sông bị bồi lấp dẫn đến khả năng thoát lũ kém.
Mặt khác, khu vực các tỉnh ven biển miền trung lại thường xuyên xuất hiện nhiều bão mạnh, siêu bão, trái quy luật. Trung bình hằng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp bốn đến năm cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Riêng từ cuối tháng 9 đến tháng 11-2020, sạt lở nghiêm trọng, trên phạm vi rộng do ảnh hưởng liên tiếp tám cơn bão trên Biển Đông, sáu cơn đổ bộ trực tiếp vào khu vực miền trung, gây sóng lớn làm hư hỏng nghiêm trọng nhiều vị trí. Ngoài ra, tình trạng xói lở diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng. Một số khu vực trung bình đến 10 m/năm, như Tuy Phong, Hàm Tiến (Bình Thuận); Cửa Đại, Hội An, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), cá biệt có những nơi tới 25 m/năm như Phú Thuận, Phú Vang (Thừa Thiên Huế); Cửa Đại (Hội An).
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên phạm vi cả nước hiện có 2.229 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài hơn 2.837 km, trong đó, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa 439 điểm/394 km; các tỉnh ven biển miền trung từ Nghệ An đến Bình Thuận 815 điểm/1.200 km; các tỉnh Tây Nguyên 388 điểm/394 km; các tỉnh Đông Nam Bộ 117 điểm/160 km và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 470 điểm/689 km.
Để chủ động phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất sạt lở bờ sông, bờ biển, tránh tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương là thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp. Trong đó chú trọng công tác quản lý bờ sông, bờ biển gắn với sinh kế của cộng đồng dân cư vùng ven sông, ven biển. Chỉ sử dụng giải pháp công trình đối với những khu vực tập trung dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; bảo vệ đất rừng tại những khu vực xói lở nghiêm trọng không thể phục hồi. Ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, kết hợp giải pháp truyền thống thân thiện với môi trường, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, giá thành hạ, có thể sử dụng nhiều lần, dễ thi công.
Mặt khác, cần nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực ven sông, ven biển. Phấn đấu đến năm 2021, bảo đảm 100% các hộ dân ở ven sông, ven biển được cảnh báo về nguy cơ sạt lở và trang bị kiến thức phòng tránh. Hoàn thành 100% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 và hoàn thành 90% việc trồng rừng ngập mặn ven biển tại những khu vực bãi biển ổn định, phù hợp với điều kiện trồng rừng đến năm 2025. Đồng thời xây dựng, củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đến năm 2025 tập trung hoàn thành về cơ bản việc xử lý tại các trọng điểm xung yếu về sạt lở bảo đảm an toàn khu tập trung dân cư, cơ sở hạ tầng vùng ven sông, ven biển, các khu vực chỉnh trị trọng điểm và ổn định bờ biển tại những khu vực xói lở mạnh.
Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần lựa chọn tuyến kè phù hợp, bám theo tuyến bờ, nối tiếp với các công trình lân cận, không tạo co thắt cục bộ ảnh hưởng đến thoát lũ và công trình chỉnh trị cửa sông. Thu thập đầy đủ các số liệu đầu vào, đặc biệt: số liệu quan trắc đường bờ, bùn cát, sóng, nước dâng, thủy triều. Lựa chọn giải pháp, kết cấu bảo đảm ổn định, thuận tiện trong công tác duy tu bảo dưỡng. Về lâu dài cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển; xây dựng giải pháp quản lý tổng hợp vùng bờ biển, giám sát chặt chẽ việc xây dựng các công trình du lịch, dân sinh ven biển. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn hướng dẫn quản lý dải ven bờ; khôi phục bãi cho khu vực miền trung. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, phân loại sạt lở, cập nhật các khu vực sạt lở trên hệ thống quản lý sạt lở trực tuyến…