Nhiều nguồn thải xả vào hệ thống
Ðược mệnh danh là công trình đại thủy nông những năm 60 của thế kỷ trước, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nằm giữa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, được giới hạn bởi bốn con sông. Diện tích tự nhiên của hệ thống là 214.932 ha, bao gồm toàn bộ 10 huyện, thị xã của tỉnh Hưng Yên, bảy huyện và thành phố của tỉnh Hải Dương, ba huyện của tỉnh Bắc Ninh, huyện Gia Lâm và quận Long Biên của TP Hà Nội. Nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống là bảo đảm tưới cho 110 nghìn héc-ta đất canh tác lúa màu và cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, diện tích 12 nghìn héc-ta; cấp nước sinh hoạt cho hơn ba triệu người dân và các khu công nghiệp tập trung cùng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng, diện tích khoảng 4.300 ha. Hệ thống còn góp phần tiêu úng cho 192.045 ha diện tích phía trong đê, bảo vệ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các cơ sở kinh tế khác.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trịnh Thế Trường trăn trở, trong những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã rất quan tâm đến tình hình diễn biến nguồn nước, với mục tiêu bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Các tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa kiệt. Ô nhiễm nước nhận biết được bằng cảm quan, trực quan như nước có mầu đen, nước đen kịt như dầu luyn, bốc mùi hôi thối.
Theo báo cáo của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) tổng lượng nước thải các loại xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải khoảng 453.195 m3/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt chiếm 58,47%; nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh 25,72%; nước thải làng nghề 2,65%; nước thải chăn nuôi 12,02%; nước thải y tế 1,14%. Ðiều đáng nói là hầu như tất cả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề và 70 đến 80% nước thải công nghiệp chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu trước khi xả thẳng vào công trình thủy lợi.
Ðầu nguồn kênh Kim Sơn (Hà Nội) phải tiếp nhận lượng nước thải bị ô nhiễm có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm qua cống Xuân Thụy là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải. Khi cống Xuân Thụy mở tiêu nước sông Cầu Bây thì nước sông Bắc Hưng Hải qua các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ (Hưng Yên) bị ô nhiễm, sau đó toàn bộ hệ thống Bắc Hưng Hải và các kênh nhánh bị ô nhiễm. Tại tỉnh Hưng Yên, trên sông Ðiện Biên từ vị trí tiếp nhận nước thải TP Hưng Yên đến thị trấn Lương Bằng trước khi đổ ra sông Cửu An, nước chuyển mầu xanh lục, bốc mùi hôi. Cây tóc tiên trên sông trước đây có nhiều, nay biến mất hoàn toàn. Các kênh trục của hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn hai tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh cũng chung số phận. Nguồn nước nơi đây chuyển mầu xanh đen, bốc mùi hôi.
Ông Trường cho biết thêm: "Nguyên nhân gây ô nhiễm thì có nhiều, nhưng chủ yếu do các tổ chức, cá nhân, xả nước thải vào các kênh cấp II và kênh nhánh sau đó đổ ra kênh trục chính. Việc kiểm tra, phát hiện cụ thể cá nhân, tổ chức trực tiếp xả thải vào các kênh cấp II, kênh nhánh lại thuộc quyền quản lý của công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh và được UBND tỉnh cấp phép theo phân cấp. Mặt khác chưa có cơ chế phối hợp thông tin trao đổi giữa các công ty cho nên Công ty Bắc Hưng Hải cũng không nắm được những trường hợp xả thải. Các khu đô thị, dân cư sinh sống dọc tuyến kênh chưa có hệ thống thu gom mà xả tùy tiện cũng không thể kiểm soát được".
Cần giải pháp quyết liệt, đồng bộ
Giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, nhưng tình hình ô nhiễm nước, tình hình vi phạm bảo vệ công trình trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành tưới, tiêu, cấp nước cho sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế. Theo kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước sông Bắc Hưng Hải trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 cho thấy, nước hệ thống Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm từ nhiều năm qua, thông số ô nhiễm chủ yếu là các chỉ tiêu hóa sinh, hàm lượng chất ô nhiễm gia tăng nhất là vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm) do hệ thống đóng để trữ nước.
Ðể ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải, ngay từ năm 2018, Tổng cục Môi trường đã phối hợp các ngành chức năng các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải. Kết quả thanh tra cho thấy, có 19 trong tổng số 34 cơ sở có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Các địa phương đã thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 778 cơ sở có hoạt động xả thải trực tiếp hoặc gián tiếp ra hệ thống; đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 244 cơ sở có vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 6,1 tỷ đồng.
Mặt khác, thời gian qua, các địa phương đã tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm nước thải sau xử lý phải đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi xả thải. Về lâu dài, các tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải cần quyết liệt bắt buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ các bãi chôn lấp, khu xử lý rác thải có lưu lượng xả thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên ra hệ thống Bắc Hưng Hải phải lắp đặt quan trắc tự động. Tạm thời không cấp phép xả nước thải mới cho các dự án có loại hình, tính chất gây ô nhiễm có xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; không cho phép các dự án đầu tư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải không bảo đảm yêu cầu về môi trường đi vào hoạt động. Ðồng thời ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng thu gom, tách nước mưa, nước thải sinh hoạt và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Phấn đấu đến năm 2021 hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ưu tiên địa bàn TP Hải Dương.
Theo ông Trịnh Thế Trường, qua khảo sát, 25 trong tổng số 83 kênh mương có ảnh hưởng đến điều kiện sống của các loại thủy sinh. Nguyên nhân là do rác, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải rắn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề, vật dụng sinh hoạt, xác động vật… xả vào hệ thống. Mặc dù, Pháp lệnh về Khai thác công trình thủy lợi và Luật Thủy lợi đều nghiêm cấm việc xả chất thải rắn, nhưng trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang diễn ra việc xả thải ở tất cả các tuyến kênh mương, tập trung ở các khu vực trước cửa cống, trạm bơm. Chính vì vậy, công việc mang tính cấp bách hiện nay là các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ dự án khu công nghiệp, bãi rác có nguồn nước thải lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đánh giá toàn diện hiện trạng, chức năng, hiệu quả sử dụng hệ thống Bắc Hưng Hải trong điều kiện hiện tại; đề xuất xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp toàn hệ thống để bảo đảm ngoài chức năng trữ nước, tưới tiêu trong sản xuất còn bảo đảm tiếp nhận và thoát nước thải. Ðồng thời, triển khai nạo vét, chỉnh trang, nâng cấp sửa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm và các công trình thủy lợi khác trên hệ thống Bắc Hưng Hải, nhằm ngăn vùng ô nhiễm, không làm ảnh hưởng môi trường mang tính liên tỉnh của sông. Kiểm soát nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để từ đó giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu thủy lợi. Có cơ chế phối hợp, thống nhất với các bộ và các tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải trong công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải, chú trọng công tác hậu kiểm; xác định rõ phạm vi, chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải.