Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi tập trung triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên hàng đầu của các địa phương.
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên hàng đầu của các địa phương.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 800 công trình thủy lợi được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; trong đó có 126 hồ chứa nước, 528 đập dâng, 7 đập ngăn mặn, 139 trạm bơm và hệ thống kênh mương dài gần 4.300 km. Tổng năng lực tưới thiết kế của 800 công trình là 69.000 ha, năng lực tưới thực tế 45.000 ha, đạt 70% so với năng lực thiết kế.

Các công trình thủy lợi, đê điều tại tỉnh Quảng Ngãi cơ bản bảo đảm an toàn trong mưa lũ. Một số hồ chứa nước bị hư hỏng xuống cấp đã được các địa phương, đơn vị quản lý xử lý tạm thời những vị trí xung yếu.

Ông Hà Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết: Đơn vị quản lý, vận hành 22 hồ chứa lớn với tổng dung tích hơn 370 triệu m3 nước và triển khai các phương án bảo vệ an toàn cho từng công trình.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đakđrinh Lê Năng cho biết: “Hệ thống hồ chứa, thủy điện miền núi ngày càng nhiều, đòi hỏi quản lý, vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông, suối. Thủy điện Đakđrinh có quy mô lớn, ảnh hưởng đến hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, vì vậy chúng tôi vận hành bảo đảm an toàn công trình, điều tiết nước cho vùng hạ du với các phương án ứng phó theo từng cấp độ”.

Để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, tỉnh Quảng Ngãi tập trung thực hiện những giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mang tính căn cơ, đồng bộ, toàn diện và phù hợp với thực tế cơ sở. Tỉnh chú trọng hoàn chỉnh công tác quy hoạch, đề án, kế hoạch hành động để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại, đa mục tiêu; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng thủy lợi đúng quy hoạch, đề án theo hướng hiện đại, đa mục tiêu, đồng bộ từng hệ thống…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết: Triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế. Để làm được như vậy, cần chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.