Hội thảo là một trong nhiều sự kiện hội chính trong chuỗi sự kiện “Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023”. Kỳ vọng từ hội thảo sẽ giúp ứng dụng các công nghệ, nghiên cứu mới vào thực tiễn để góp phần phát triển ngành thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long và “thủ phủ” nuôi tôm tại Cà Mau.
Theo báo cáo tại hội thảo, thời gian qua, các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, công nghệ cao vào phát triển thủy sản.
Tại Cà Mau, nơi có diện tích nuôi thủy sản lớn của cả nước, trong giai đoạn 2019-2023, tỉnh đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ với hơn 145 đề tài/dự án (hơn 70% là đề tài/dự án ở lĩnh vực ngư-nông-lâm nghiệp).
Trong số đó, lĩnh vực khai thác và bảo quản thủy sản ứng dụng công nghệ cao với các ứng dụng công nghệ lạnh thấm, lạnh nhanh bằng hầm bảo quản hải sản vật liệu PU trong khai thác xa bờ; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa công tác quản lý trên biển bằng phần mềm quản lý tàu cá và việc lắp đặt hệ thống thông tin giám sát tàu cá.
Nông dân Cà Mau đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. |
Ứng dụng công nghệ cao còn được thực hiện phổ biến trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh: Quy trình nuôi tôm tuần hoàn RAS không xả thải; quy trình 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ biofloc, semibiofloc, nuôi tôm an toàn sinh học...
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh mà hiện tại, năng suất nuôi tôm trung bình ở loại hình nuôi trên tại Cà Mau đạt từ 30-50 tấn/ha, có nơi lên đến hơn 72 tấn/ha.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mà nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau có năng suất trung bình từ 30-50 tấn/ha. |
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học… đã chia sẻ, gợi mở nhiều vấn đề hữu ích có liên quan đến khoa học, công nghệ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong nuôi trồng thủy sản, cũng như ứng dụng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, từ đó đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Trong nhiều giải pháp được nêu ra, tựu chung là cần ưu tiên ứng dụng các quy trình công nghệ thân thiện môi trường, hướng đến giảm phát thải; công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản.
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức đã và đang tác động đến sự phát triển bền vững trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Cụ thể như: Đầu tư hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ khai thác còn lạc hậu; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; nguồn lực về tài chính đầu tư cho công nghệ cao còn nhiều bất cập, nhất là cơ chế chính sách chưa thu hút đầu tư từ doanh nghiệp tham gia…