Giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Đắk N’Ting

Hồ chứa nước Đắk N’Ting, bon N’Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong được đầu tư gần 137 tỷ đồng, hiện đã thi công xong, đang trong quá trình hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao sử dụng thì xảy ra sự cố có nguy cơ cao vỡ đập, ảnh hưởng đến đời sống và tài sản của người dân vùng hạ lưu. Tỉnh Đắk Nông đã mời các chuyên gia, nhà khoa học đến khảo sát, tìm giải pháp khắc phục sự cố bảo đảm an toàn cho hồ.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình hồ chứa nước Đắk N'Ting, bon N'Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị sự cố sạt trượt, dịch chuyển đập tràn, có nguy cơ cao vỡ thân đập.
Công trình hồ chứa nước Đắk N'Ting, bon N'Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị sự cố sạt trượt, dịch chuyển đập tràn, có nguy cơ cao vỡ thân đập.

Sự cố Hồ chứa nước Đắk N’Ting

Hồ chứa nước Đắk N’Ting có tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng; trong đó, có gần 106 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 và gần 32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Tổng diện tích sử dụng đất hơn 80 ha.

Công trình sẽ cấp nước cho 680 ha cây trồng, trong đó có 100 ha lúa nước thuộc xã Quảng Sơn. Hồ chứa nước Đắk N’Ting được kỳ vọng sẽ tạo nguồn cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân; giảm lũ cho hạ nguồn, tạo điều kiện để người dân thâm canh tăng vụ.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do mưa lớn kéo dài dẫn đến hồ chứa nước Đắk N’Ting gặp sự cố, có nguy cơ cao vỡ đập. Cụ thể, từ ngày 28/7-6/8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài. Tổng lượng mưa đo được tại trạm Đắk Ha gần khu vực thiên tai là 396 mm.

Riêng ngày 30/7, lượng mưa rất lớn, đạt 134 mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, ngày 1/8 phía đồi bên vai phải đập đất hồ chứa nước Đắk N’Ting xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400 m từ hạ lưu tràn tới cống thoát nước số 1 đường tránh ngập, chiều cao cung trượt khoảng 30 m.

Với ảnh hưởng của cung trượt này, áp lực đất bên phía đối vai phải công trình tác động lớn gây dịch chuyển bề mặt cầu qua tràn theo phương ngang; gây nứt vỡ bê-tông mặt cầu, đường đỉnh đập và hai bên mái gia cố thượng hạ đập.

Những ngày tiếp theo cung trượt tiếp tục mở rộng, kéo dài và xuất hiện thêm nhiều vết nứt tại mái đồi nằm trong cung trượt, làm tiếp tục dịch chuyển bề mặt cầu tràn, các vết nứt trên mái thượng hạ lưu, đường đỉnh đập kéo dài và mở rộng hơn.

Đến ngày 6/8, vết nứt cung trượt lớn nhất 30 cm, độ sụt đất tại một số vị trí sâu đến 60 cm; làm dịch chuyển cầu tràn về phía đập đất lên 63 cm; gây mất ổn định công trình, an toàn đập và vùng hạ du, gây ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp đến an toàn công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông và tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân chung quanh và phía hạ du công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho biết, trước nguy cơ cao của việc vỡ đập, huyện đã tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Trước nguy cơ cao của việc vỡ đập, huyện đã tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần

Tính đến ngày 9/8, đã di dời toàn bộ 34 hộ, với 175 nhân khẩu nằm trong khu vực nguy hiểm thuộc hạ nguồn đến nơi an toàn. Các ngành chức năng của huyện tiếp tục vận động gần 200 hộ dân, với 850 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu sự cố vỡ đập xảy ra di dời tài sản, kê cao đồ đạc để phòng trường hợp nước lũ dâng cao.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Lê Trọng Yên đã ký công văn gửi Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và một số đơn vị chức năng liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún, sạt trượt tại hồ chứa nước Đắk N’Ting.

Yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị chủ đầu tư và hiện đang quản lý công trình phải tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ để theo dõi diễn biến thiên tai, sự dịch chuyển, nứt gãy các hạng mục công trình; đồng thời, thực hiện tính toán lại kịch bản vỡ đập, đường đi của dòng nước ảnh hưởng đến hạ du trong thời điểm hiện tại, cung cấp cho địa phương để tổ chức thông báo di dời dân đến nơi an toàn.

Các đơn vị tính toán và sớm có phương án hạ thấp mực nước hồ để giảm tối đa thiệt hại khi có sự cố công trình xảy ra; khẩn trương khảo sát, đưa ra các phương án giảm tối đa sạt trượt đất tại khu vực vai phải hồ chứa.

Trước đó, tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông vào ngày 7/8, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ đạo, địa phương phải tính toán kỹ phương án xử lý sự cố hồ chứa nước Đắk N’Ting.

Vỡ đập là tình huống xấu nhất và phải tính tới trong thời điểm này, cụ thể là toàn bộ lượng nước trong hồ sẽ chảy đi đâu. Tỉnh phải thông báo rõ cho dân trong tình huống vỡ đập thì di chuyển ra sao, theo hướng nào…

Cần có phương án an toàn, hiệu quả, bền vững

Sau khi kiểm tra thực tế một số điểm,vị trí sạt trượt tại hồ chứa nước Đắk N’Ting, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do mưa lớn kéo dài gây nên hiện tượng tụ thủy dẫn tới sạt trượt.

Ngoài ra còn do yếu tố tác động của việc đào đắp khu vực chân ta-luy công trình, làm mất phần chân đất dẫn đến sụt lún; địa phương cần tính toán, triển khai ngay các giải pháp để hạ thấp mực nước. Đây là việc làm cần thiết để hạn chế nguy cơ vỡ đập cũng như chủ động ứng phó với các đợt mưa, lũ sắp tới.

Các đơn vị chức năng cần triển khai sớm công tác quan trắc, đo đạc lại địa hình, theo dõi chặt chẽ các vết nứt trên thân đập, trên hai vai đập để có giải pháp xử lý phù hợp.

Theo PGS, TS Nguyễn Châu Lân, Trường đại học Giao thông vận tải, nguyên nhân do đất khu vực hồ chứa nước Đắk N’Ting là đất bazan, tầng đá rất sâu nên gây sụt trượt trên mái đất. Khi đất ngậm nước sẽ hình thành khe nứt căng, nước ngấm vào sẽ mở rộng dần khe nứt và trượt xuống theo mái dốc.

Để khắc phục, về giải pháp trước mắt, tại vị trí khe nứt trên cùng phải có biện pháp che chắn để ngăn nước không cho ngấm tiếp xuống; phải tạo các rãnh cơ ở phần dưới chân, hệ thống rãnh ở đỉnh để ngăn nước chảy vào bề mặt phía dưới; tập trung quan trắc các mốc, vị trí sụt trượt để xem tốc độ di chuyển của khối trượt; đo đạc lại bình đồ địa hình ở khu vực, phải đo vẽ các vết nứt để theo dõi diễn tiến khối trượt.

Giải pháp lâu dài, sau khi có hồ sơ chi tiết có thể triển khai giải pháp cắt đất hạ tải, xây dựng bờ kè, gia cố bề mặt hoặc sử dụng một số công nghệ mới song song như neo giữ lực, khung bê-tông cốt thép, thoát nước sâu…

Thực tế hiện nay, khi thiết kế hồ đập chỉ mới quan tâm đến công trình trên dòng, chưa quan tâm vị trí hai mái. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mưa lũ bất thường như hiện nay, các đơn vị tư vấn thiết kế phải khảo sát tổng thể cả khu vực công trình, khi đào vào mái dốc phải có biện pháp bảo vệ mái dốc.

Vì thông thường, khi mái dốc mất chân sẽ kéo theo hiện tượng treo tích lũy cục bộ, các mái, các khe nứt sẽ tích lũy dần, mở rộng ra, nước thấm xuống sẽ gây nên sạt trượt. Cơ bản khi triển khai phải bổ sung thêm công tác thiết kế, công tác đánh giá chung cho toàn bộ khu vực chung quanh vị trí công trình.

PGS, TS Lê Văn Hùng, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam nhận định, đập tràn bị dịch chuyển đồng nghĩa với việc kết cấu đã mất ổn định, bị phá hoại, tách dần ra khỏi móng, nếu không có phần đập đất trụ lại chắc chắn đã xảy ra sự cố.

Đập tràn bị dịch chuyển đồng nghĩa với việc kết cấu đã mất ổn định, bị phá hoại, tách dần ra khỏi móng, nếu không có phần đập đất trụ lại chắc chắn đã xảy ra sự cố.

PGS, TS Lê Văn Hùng, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam

Về phần vỡ bê-tông bề mặt thân đập chỉ là phần mặt, phần kết cấu cứng bị xô đẩy, riêng thân đập đất ở bên dưới vẫn còn khoảng 99% an toàn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng sẽ bị vỡ, bởi vì hiện tượng xô đẩy đang làm dịch chuyển đập tràn. Cũng theo PGS, TS Lê Văn Hùng, đối với an toàn đập, biện pháp nhanh nhất và tốt nhất phải là hạ mực nước.

Vì vậy, trước mắt cần hạ mực nước ngay đề phòng vỡ đập sẽ ảnh hưởng lớn đến người và tài sản của nhân dân vùng hạ du và các công trình thủy lợi dưới lưu vực. Còn việc sửa chữa phải tính toán thật kỹ sau khi khảo sát, có các số liệu đánh giá cụ thể mới lựa chọn phương án an toàn, hiệu quả, bền vững nhất.

Còn theo đánh giá của PGS, TS Nguyễn Cảnh Thái, Trường đại học Thủy lợi, do bị khối trượt đẩy làm dịch chuyển cầu tràn gây ra vết nứt bề mặt bằng bê-tông thân đập, còn thân đập bằng đất phía bên trong vẫn chưa bị tổn hại, nên chưa hình thành các dòng nước khối chung, vì vậy chưa nguy hiểm lớn đối với thân đập. Qua theo dõi, việc dịch chuyển của tràn đang tắt dần, đồng nghĩa với khối trượt đang tạm thời dần ổn định trở lại.

Về nguyên nhân sạt trượt của khối trượt lớn vai bên đồi, PGS, TS Nguyễn Cảnh Thái cho rằng, phải xem xét cả tác nhân từ thiên nhiên và con người để đánh giá, trên cơ sở đó mới phân tích để đưa ra giải pháp khoa học nhất.

Trong trường hợp cụ thể này, để tính toán, đánh giá sạt trượt của bên vai đập là rất hạn chế, vì khi khảo sát thiết kế chỉ nằm trong phạm vi của công trình, còn vai đập với khối lượng lớn, phạm vi rộng thì chủ đầu tư không tiến hành khảo sát.

Mặt khác, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn khi tính toán ổn định của mái dốc bên sườn hiện nay chưa quy định về tần suất mưa để tính toán với cường độ mưa nên thông thường, chỉ dựa vào các số liệu mưa lớn nhất từng xảy ra trong quá khứ để tính toán. Đây là thực trạng chung của các công trình hiện nay, nên rất khó để đưa ra ngay giải pháp căn cơ, bền vững trong lúc này.