Quá tải sẽ dẫn đến rủi ro
Theo các chuyên gia, các khu đô thị lớn đang đứng trước áp lực giao thông do sử dụng xe cá nhân quá nhiều, sử dụng nhiên liệu không tái tạo (xăng, dầu) nhiều và hệ quả là gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi. Vì vậy, gần đây Chính phủ đã có những chính sách thúc đẩy phát triển xe vận tải điện dần thay thế xe chạy xăng, dầu. Xu hướng gia tăng phương tiện sử dụng điện trong cộng đồng đang ngày càng rõ nét.
Tại Hà Nội, theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), thành phố hiện có khoảng 200.000 xe máy, xe đạp điện cùng với hàng nghìn ô-tô điện đã được đưa vào sử dụng. So với tổng thể gần 8 triệu phương tiện cá nhân, con số này là chưa lớn.
Còn TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tỷ lệ xe điện đến năm 2030 đạt 20% với mô-tô/xe máy/ô-tô con; 10% với taxi; và 50% với xe bus.
Ngược lại, tình hình phát triển hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam lại không mấy khả quan. Hiện, chỉ có duy nhất VinFast là hãng xe phát triển hệ thống trạm sạc với số lượng rất lớn, lên tới 150.000 cổng sạc. Các hãng xe còn lại đã giới thiệu xe điện tại Việt Nam, hoặc là không có trạm sạc, chỉ có bộ sạc tại nhà, hoặc chỉ có một vài trụ sạc nhanh tại trung tâm bảo dưỡng, chăm sóc xe hơi chính hãng.
Mới đây, đơn vị quản lý 10 tuyến xe bus điện đầu tiên của TP Hồ Chí Minh cũng đã nêu lên một trong những khó khăn, bất cập là thiếu nguồn cung năng lượng. Trên thực tế, ngành điện chưa đưa ra kế hoạch cụ thể để tăng cường nguồn cung cho xe điện nói chung. Người dân khi mua xe đạp, xe máy điện vẫn buộc phải sử dụng nguồn sạc tại nhà hoặc tầng hầm, bãi đỗ xe chung cư…
Theo các chuyên gia, hiện nay ở các khu chung cư, nhà ở đông người chưa được lắp đặt các trạm sạc xe máy, xe đạp điện bảo đảm an toàn kỹ thuật, được thẩm định, phê duyệt bởi cơ quan chức năng. Hầu hết vẫn là tự chia đường điện, tự sử dụng và không có các biện pháp an toàn cần thiết. Vấn đề này gây nhiều khó khăn trong cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh để bảo vệ môi trường. Nó cũng cho thấy sự lúng túng của các khu đô thị trước sự phát triển của loại hình xe điện.
Cần chính sách toàn diện cho xe điện
Theo một chuyên gia về xe điện, xe có động cơ đốt trong có số vụ cháy cao hơn đáng kể so với xe chạy hoàn toàn bằng điện. Thống kê từ Ban An toàn giao thông vận tải quốc gia của Chính phủ Mỹ cho thấy, hơn 100.000 xe, tỷ lệ cháy của xe điện chỉ là 0,025%, thấp hơn 61 lần so với xe xăng. Các xe điện luôn phải bảo đảm tiêu chuẩn rất khắt khe về an toàn của nhà quản lý và nhà sản xuất.
Còn tại Việt Nam, từ năm 2015 đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ắc-quy sử dụng cho xe
mô-tô, xe gắn máy điện, với các tiêu chí nghiêm ngặt. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện cũng như chủ trương khuyến khích sử dụng xe điện của Nhà nước, giảm thiểu rủi ro cháy nổ pin xe điện, ngoài ý thức của người dân, các đơn vị bán hàng thì cần tăng cường vai trò của các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành trong việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cháy nổ riêng cho pin lithium (dùng cho xe đạp điện - giống như pin máy tính, laptop) và xe điện. Đồng thời, cần siết các quy định để hạn chế tình trạng nhập lậu xe điện cũng như các thiết bị pin, sạc của xe điện.
Để khuyến khích và thúc đẩy việc áp dụng xe điện nhưng vẫn bảo đảm an toàn, cần tạo ra một môi trường thuận lợi, nhất là hệ thống hạ tầng trong quá trình sạc. Mà để làm được điều đó cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng để bảo đảm an toàn khi thực hiện trong thực tiễn.
ThS Đỗ Cao Phan, chuyên gia giao thông cho rằng, có thể việc kiểm định, ban hành quy định về quản lý các thiết bị cho xe điện, hệ thống sạc điện đối với Việt Nam còn gặp khó khăn do xe điện mới phát triển trong những năm gần đây. Nhưng Việt Nam có thể hợp tác với các nước phát triển về lĩnh vực này để có được những hỗ trợ trong xây dựng chỉ tiêu kiểm định, quản lý sạc, pin... cho xe điện. Bên cạnh đó, người dân cần bỏ tâm lý “ưa rẻ” để sử dụng pin, sạc và cả xe điện chất lượng.
Trước nhu cầu trạm sạc đang ngày càng trở nên bức thiết, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ. Sau thời gian khá dài nghiên cứu thị trường, tham vấn ý kiến đóng góp, đề xuất của giới chuyên gia, doanh nghiệp ngành ô-tô, mới đây Bộ GTVT đã đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô-tô điện, trình báo cáo lên Chính phủ. Trong đó, Bộ kiến nghị Chính phủ sớm có quy định về hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, các công trình đầu tư mới hoặc cải tạo lại được phép xây trụ sạc mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cần ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vay vốn sản xuất/nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh, cùng các chính sách ưu đãi về thuế, giá bán điện, nguồn cung điện để trạm sạc hoạt động...
Ông Nguyễn Ngọc Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP EverEV, công ty chuyên cung cấp hạ tầng trạm sạc, nhận định, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có năng lực sản xuất, lắp đặt trạm sạc. Tuy nhiên, do hiện tại không có nhà cung cấp nội địa nên doanh nghiệp phải hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài. Do đó, việc hỗ trợ, ưu đãi về sản xuất, nhập khẩu thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc là điều rất cần thiết.