Giải mã sự sôi động của thị trường chứng khoán

NDO - Thị trường chứng khoán đã có diễn biến sôi động ngay từ đầu năm 2024, là do các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào nền tảng lãi suất thấp, sự phục hồi của các doanh nghiệp sau những khó khăn của hoạt động kinh doanh, dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là kỳ vọng nâng hạng. Nhưng đây có phải là lý do chính để thị trường sôi động hay còn có các lý do khác, và thật sự thị trường đã đi qua khó khăn chưa hay chỉ là phục hồi qua điểm đáy mà thôi?
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc”.
Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc”.

Động lực giúp thị trường chứng khoán khởi sắc

Tính từ đầu năm, thị trường chứng khoán đã có tăng trưởng 12%, mức tăng trưởng khá khả quan này đến từ việc nhà đầu tư được củng cố niềm tin khi Chính phủ đã đưa ra nhiều những chính sách kịp thời hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành khiến dòng tiền đã chảy vào chứng khoán tích cực hơn từ quý III/2023.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền-Tích lũy-Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 5/3, bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích Cổ phiếu – Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, tính đến quý III/2023, hầu hết lợi nhuận các ngành, các doanh nghiệp đã tạo đáy và trên đà phục hồi. Điều này củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư và tạo động lực giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trong hai tháng đầu năm nay.

Bày tỏ sự đồng tình với nhận định này, ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE phân tích, về yếu tố nội tại, nền tảng kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi rõ nét từ tất cả các cấu phần chính của nền kinh tế, thí dụ từ cấu phần sản xuất công nghiệp, khu vực sản xuất cho tới nhóm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu. Nếu phân tích chi tiết các số liệu của quý III, IV năm 2023 và hai tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ thì đều tăng trưởng lần lượt khoảng 6% và hơn 8%. Ngoài ra, FDI trong hai tháng đầu năm thì mức tăng trưởng hơn 38%. Điều này cho thấy sự phục hồi của nội tại nền kinh tế Việt Nam đã ở mức tăng trưởng rõ nét và phản ánh qua các con số vĩ mô.

Về mặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, chúng ta thấy rằng, dù năm 2024 áp lực lên lạm phát là có nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái rất tích cực như là cung cấp định mức tín dụng 15% ngay từ đầu năm cho các ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế năm 2024, từ đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong năm nay.

Theo bà Trang, thị trường chứng khoán là phản ánh bức tranh vĩ mô, thường là phản ánh sớm. Bức tranh vĩ mô đang có dấu hiệu của sự phục hồi: xuất khẩu hai tháng đầu năm tăng 20%, các chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng, FDI vẫn tốt. Vẫn còn quá sớm để nói về sự phục hồi, bởi chúng ta chỉ biết được nền kinh tế tạo đáy hay không sau ít nhất hai quý.

Tuy nhiên, đó là những yếu tố vĩ mô chúng ta phải quan sát, để thấy nó sẽ là những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán ngoài các vấn đề về lãi suất. SSI dự báo, lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2024 là năm đầu đánh dấu giai đoạn phục hồi của các doanh nghiệp và nền kinh tế. SSI ước tính lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng khoảng 15-16% trong năm 2024. Theo SSI, 2024 sẽ là năm đầu tiên của sự phục hồi, tiến trình này có thể sẽ kéo dài sang năm 2025 với mức tăng trưởng kỳ vọng hai con số.

Sự phục hồi, tăng trưởng lợi nhuận phân hóa theo các nhóm ngành, với các nhóm ngành đã tạo đáy trước, có biên lợi nhuận thấp năm 2023 sẽ có sự tăng mạnh như: vật liệu xây dựng; bán lẻ; một số ngành xuất khẩu, chứng khoán… có thể có tăng trưởng cao trong năm nay. Nhưng với những ngành có độ trễ nhất định vì nó quá phụ thuộc vào những bức tranh vĩ mô hơn như liên quan đến ngành bất động sản, ngân hàng kỳ vọng trong năm 2025 sẽ có mức tăng trưởng cao hơn 2024.

Sự hỗ trợ, xu hướng và cơ hội đầu tư

Giải mã sự sôi động của thị trường chứng khoán ảnh 2

Đà phục hồi thị trường chứng khoán đang trong xu hướng mới đến từ định hướng chính sách và sự phục hồi của doanh nghiệp (Ảnh: Minh Dũng).

Đề cập câu chuyện hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết, bà Phạm Thị Thùy Linh - Phó Vụ trưởng Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, trong năm 2023 dù nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã huy động hơn 43.000 tỷ đồng, cao hơn 34% so năm 2022. Kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán giúp doanh nghiệp có vốn dài hạn cho sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong huy động vốn trên thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát Nghị định 155, trong đó rà soát các quy định hoạt động chào bán phát hành, niêm yết đăng ký giao dịch. Những doanh nghiệp IPO không đủ điều kiện niêm yết phải đưa chứng khoán lên đăng ký giao dịch có vướng mắc gây ra thời gian còn kéo dài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp Sở Giao dịch Chứng khoán tạo điều kiện dịch rút ngắn thời gian đưa lên niêm yết và đăng ký giao dịch.

Với quan điểm, thị trường muốn phát triển, cần có sự phát triển các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt các quỹ đầu tư, bà Phạm Huyền Trang cho biết, SSI là đơn vị có các quỹ đầu tư và thường tiếp xúc với nhà đầu tư tổ chức để xúc tiến cơ hội đầu tư. Theo bà, dòng tiền tiềm năng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn, nhưng có hạn chế như không có hàng hóa mới, và còn có những quy định liên quan sở hữu nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu nâng “room”. Dòng vốn tiềm năng có thể đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng, những cổ phiếu tiềm năng còn “room ngoại” có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. "Đây là điều gần nhất chúng tôi có thể nhìn thấy và kỳ vọng là sẽ hấp dẫn thêm nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới".

Theo bà Phạm Thị Thùy Linh, phát triển nhà đầu tư tổ chức có chất lượng là nhiệm vụ xuyên suốt trong Quyết định 1726/QĐ-TTg ban hành ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Theo đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức thường niên hội thảo quảng bá xúc tiến đầu tư chia sẻ thêm với các tổ chức nước ngoài về cơ hội đầu tư khi thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng. "Chúng tôi hy vọng, thị trường thực sự phát triển, có dòng vốn mang tính chất bền vững" - bà Linh nói.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBankS thì cho rằng, thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán có phát triển lành mạnh, ổn định thì mới có cơ hội tăng quy mô, lợi nhuận, đón dòng vốn từ thị trường ngoài nước. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh, có động lực tốt, hỗ trợ niêm yết mở rộng quy mô vốn… Khi thị trường chứng khoán thật sự phát triển bền vững, tự doanh nghiệp sẽ có nhu cầu lớn lên.

Cũng theo ông Trần Hoàng Sơn, 2024 là năm chuyển dịch khi lợi nhuận tạo đáy từ năm 2023 sẽ tăng trưởng trở lại cao hơn so mức nền thấp. Đà phục hồi thị trường chứng khoán đang trong xu hướng (uptrend) mới, xu hướng này đến từ hai hướng: định hướng chính sách và sự phục hồi của doanh nghiệp. Hai yếu tố này bảo đảm cho thị trường năm nay tăng trưởng khá tốt. Dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt được từ 1.326-1.350 điểm, là mức cao trong năm nay.