Kỷ cương, kỷ luật của chứng khoán

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 diễn ra sáng 28/2, một trong những nội dung đáng chú ý được cơ quan quản lý nhấn mạnh để thúc đẩy sự phát triển của thị trường là “đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường”.
0:00 / 0:00
0:00

Có thể khẳng định, kỷ cương chính là yếu tố cực kỳ quan trọng để xây dựng và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư (NĐT). Điển hình là việc xử lý các hoạt động làm giá, lũng đoạn trên TTCK trong khoảng 15 năm qua. Thực tế cho thấy là những vụ việc tiêu cực, gây bức xúc dư luận tại từng thời điểm cuối cùng đều bị xử lý rất nghiêm khi các “đầu sỏ” đều bị truy cứu hình sự. Từ chỗ lựa chọn những cổ phiếu (CP) thanh khoản thấp, ít giao dịch để đẩy giá, các đội làm giá chuyển sang giao dịch kiểu “mua tay trái, bán tay phải” để tạo cung cầu ảo, làm giả sổ sách… nhưng sau cùng tất cả đều không qua mặt được cơ quan chức năng.

Một chi tiết cần làm rõ là những vụ làm giá trên TTCK thường khá lộ liễu, chỉ cần tinh ý và có kinh nghiệm là NĐT dễ dàng nhận ra. Đây có thể là sự coi thường pháp luật của những cá nhân, đội, nhóm làm giá, nhưng cũng là cái bẫy dành cho những NĐT thiếu kinh nghiệm. Cũng có trường hợp một số NĐT nhận ra dấu hiệu làm giá nhưng lại suy nghĩ theo kiểu mua nhanh, bán nhanh với hy vọng “thoát sớm” để có lợi nhuận từ những CP có dấu hiệu lũng đoạn. Suy nghĩ này có thể thành công tại một thời điểm nào đó, nhưng NĐT có thể sẽ phải trả giá khi giao dịch CP khác.

Như vậy, khi các cơ quan quản lý ngày một chú trọng đến kỷ cương, kỷ luật trên thị trường bằng các biện pháp giám sát chặt các doanh nghiệp (DN) niêm yết, các công ty chứng khoán và nhiều thành viên khác thì cũng nên có sự hợp tác chặt chẽ từ các NĐT, nhất là NĐT cá nhân để đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Từ dấu hiệu làm giá, lũng đoạn cho đến khi chính thức bị xử lý là một quá trình, nhưng dưới góc độ của một NĐT cá nhân, hành động quyết liệt có thể ngăn chặn từ xa hoặc phòng ngừa các động thái này. Đơn cử như việc nếu CP có dấu hiệu làm giá, NĐT có thể kiên quyết không giao dịch. Một thời gian dài, nếu các đội làm giá liên tục tạo thanh khoản cho CP nhưng không thể hấp dẫn được NĐT, tất yếu sẽ phải bỏ cuộc vì những động thái này không chỉ đối diện với rủi ro pháp lý mà còn hao tổn rất nhiều thời gian và tiền của.

Một động thái khác mà NĐT cũng có thể tham gia để tạo kỷ cương cho thị trường chính là việc tăng cường giám sát, phản biện với chính các DN niêm yết thông qua nhiều kênh khác nhau. Lấy thí dụ, một CP có dấu hiệu giao dịch đột biến hoặc biến động bất thường, NĐT có thể yêu cầu DN cho biết hoạt động có gì thay đổi không. Hoặc trong mùa đại hội cổ đông sắp diễn ra, NĐT cũng có thể yêu cầu lãnh đạo DN tăng cường tính minh bạch, đồng hành cùng NĐT theo dõi và xử lý các hoạt động làm giá CP nếu có. Nhiều giải pháp, tiếng nói từ NĐT cá nhân sẽ hỗ trợ đáng kể để cùng với cơ quan quản lý tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật trên TTCK.