Giai đoạn mới trong hợp tác Nga-châu Phi

Mối quan hệ Nga-châu Phi được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định châu Phi là một trong số các đối tác chính của Moskva, đồng thời cam kết cung cấp một lượng lương thực miễn phí cho các nước ở châu lục này. Hai bên cùng mong muốn đưa mối quan hệ Nga-châu Phi sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng hợp tác.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Liên minh châu Phi, Chủ tịch Liên bang Comoros Azali Assoumani phát biểu trước báo giới sau kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai. (Ảnh: RIA/Novost)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Liên minh châu Phi, Chủ tịch Liên bang Comoros Azali Assoumani phát biểu trước báo giới sau kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai. (Ảnh: RIA/Novost)

Đáp lại thiện chí của Nga, các nhà lãnh đạo châu Phi kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) thúc đẩy việc giải phóng 200 nghìn tấn phân bón của Nga đang mắc kẹt tại các cảng biển thuộc Liên minh châu Âu (EU) và đề nghị xóa bỏ những rào cản đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, từ đó giúp khôi phục việc thực hiện đầy đủ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Châu Phi đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế ngày càng tăng. Đó là khẳng định của Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ 2 ở St.Petersburg vừa qua. Nhà lãnh đạo Nga cam kết ủng hộ các hoạt động đa lĩnh vực của Liên minh châu Phi (AU) nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, mở rộng hội nhập chính trị và kinh tế ở châu lục.

Đề cao vai trò của các quốc gia châu Phi cũng như khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác với châu lục này, Tổng thống Putin kêu gọi mở rộng sự hiện diện của các nước châu Phi trong Hội đồng Bảo an LHQ và các cơ quan khác của LHQ; ủng hộ sáng kiến đưa AU vào Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Nhà lãnh đạo Nga cũng thông báo về sáng kiến thiết lập hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Khu vực Thương mại tự do châu Phi, trong khuôn khổ của AU, để thảo luận về khả năng liên kết các quá trình hội nhập thông qua các tổ chức này.

Nổi bật trong hợp tác giữa Nga và châu Phi là sự hỗ trợ của Nga nhằm giúp các nước châu Phi bảo đảm lương thực, phân bón và các nguồn năng lượng, cũng như thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển quốc tế. Nga đã cung cấp 11,5 triệu tấn ngũ cốc cho các nước châu Phi trong năm 2022 và gần 10 triệu tấn chỉ trong sáu tháng đầu năm nay. Chính quyền Tổng thống Putin cho biết sẽ trích một phần thu nhập gia tăng từ việc ngũ cốc tăng giá để hỗ trợ châu Phi, thông qua việc giao lương thực miễn phí. Việc Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ khiến mặt hàng này tăng giá nhẹ trên thị trường thế giới, đồng nghĩa các công ty Nga sẽ được hưởng lợi và kéo theo thu nhập từ thuế liên quan mặt hàng này cũng tăng. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, Moskva sẽ chia sẻ một phần thu nhập này với các nuớc nghèo nhất và chuyển giao cho họ một lượng thực phẩm nhất định.

Trong khuôn khổ hợp tác các bên thống nhất 74 điểm nghĩa vụ, trong đó có cơ chế đối tác đối thoại về chính trị, kinh tế và khoa học. Hai bên cũng thống nhất chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch thương mại. Kim ngạch thương mại năm 2022 giữa Nga và các quốc gia châu Phi đã đạt 18 tỷ USD. Hai bên cũng đạt tiến bộ trong hợp tác nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp, với hơn 30 dự án năng lượng chung đang được triển khai tại 16 quốc gia châu Phi. Ngoài ra, Chủ tịch AU Azali Assoumani cho biết, Tổng thống Putin đã nêu rõ với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng ông sẵn sàng đối thoại về vấn đề Ukraine, trong khi AU cũng sẵn sàng làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước đó, hồi tháng 6, phái đoàn hòa bình châu Phi đã trình bày một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm nhằm kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine thông qua đàm phán và các biện pháp ngoại giao, qua đó làm giảm căng thẳng giữa hai bên.

Trong bối cảnh nhiều nước châu Phi đối mặt nguy cơ khủng bố và sự lan rộng của tư tưởng cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, Nga cam kết hỗ trợ châu Phi chống lại những mối đe dọa này. Theo đó, Nga sẽ tiếp tục đào tạo quân nhân và nhân viên thực thi pháp luật của các nước châu Phi tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt của Nga; phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự để tăng cường khả năng phòng thủ của các nước châu Phi.

Các bên nhất trí tạo ra một cơ chế tham vấn thường xuyên về các vấn đề chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thông tin và an ninh môi trường. Đây là những nhân tố quan trọng đưa mối quan hệ Nga-châu Phi sang giai đoạn phát triển mới.