Giải đáp về quyền lợi của lao động khi bị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 19/12, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng”.
Các đại biểu dự buổi giao lưu. (Ảnh: HSS)
Các đại biểu dự buổi giao lưu. (Ảnh: HSS)

Chương trình diễn ra trên Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Thành phố.

Khách mời tham gia chương trình là đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội như Phòng Quản lý Thu-Sổ, Thẻ; Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội; Phòng Thanh tra-Kiểm tra; Phòng Truyền thông...

Phát biểu khai mạc chương trình giao lưu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, cơ quan này luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật để người lao động chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Hà Nội thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó, phát hiện những vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động làm tại doanh nghiệp từ 1 tháng trở lên thì chủ doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu phát hiện chủ doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội cho mình, người lao động cần phối hợp tổ chức Công đoàn kiến nghị cơ quan chức năng để bảo đảm quyền lợi.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến vấn đề giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội. Đây cũng là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm.

Thông qua việc tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng”, đại diện lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội có thể trực tiếp lắng nghe và giải đáp một cách kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân, người lao động và doanh nghiệp. Cùng với đó, giúp tăng cường năng lực quản lý, điều hành của cơ quan bảo hiểm xã hội. Từ đó, hỗ trợ người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thuận tiện, kịp thời.

Trong thời gian diễn ra buổi giao lưu, đại diện các phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã tiếp nhận và trả lời các câu hỏi của bạn đọc liên quan đến nhiều vấn đề rất được quan tâm.

Cụ thể như: chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với người lao động; chế độ thai sản; ảnh hưởng của việc chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với người lao động; quy định về mức phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội…

Sau thời gian tiếp nhận, các câu hỏi còn lại sẽ được ban tổ chức chuyển đến cho các đơn vị chức năng trả lời trong thời gian sớm nhất.

11 tháng qua, Hà Nội đã có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 78,6 nghìn người với số tiền hỗ trợ gần 2.200 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ học nghề cho 722 người với số tiền 3,2 tỷ đồng. Thành phố cũng có hơn 2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chiếm tỷ lệ 43% và hơn 86,4 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm tỷ lệ 2,1%.

Đến cuối tháng 11, tổng số tiền thu từ bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố là 54,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 63,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.