Giá vaccine phòng Covid-19 ở Ấn Độ giảm mạnh

NDO -

Giá cho mỗi liều vaccine phòng Covid-19 ở Ấn Độ sẽ giảm sâu xuống còn 225 rupee/liều (khoảng 70 nghìn đồng/liều), trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành tiêm liều tăng cường cho tất cả người trưởng thành bắt đầu từ hôm nay, ngày 10/4.

Tiêm vaccine Covishield do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất tại 1 điểm tiêm chủng ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 27/5/2021. (Ảnh: Reuters)
Tiêm vaccine Covishield do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất tại 1 điểm tiêm chủng ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 27/5/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và hãng dược Bharat Biotech ngày 9/4 đồng loạt công bố điều chỉnh giảm giá vaccine ngừa Covid-19 sản xuất trong nước.

Giám đốc điều hành của SII, ông Adar Poonawalla cho biết, chi phí cho mỗi liều Covishield do SII sản xuất sẽ giảm từ 600 rupee xuống còn 225 rupee (2,96 USD) ở các bệnh viện tư nhân.

Là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hiện SII đang điều chế vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca với thương hiệu Covishield tại Ấn Độ. Trong số 1,85 tỷ liều vaccine đã được tiêm ở nước này, 82% là Covishield.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Bharat Biotech, bà Suchitra Ella cho biết, hãng này cũng giảm giá vaccine Covaxin sản xuất trong nước xuống còn 225 rupee/liều so với giá cũ 1.200 rupee/liều trước đây.

Trước đó 1 ngày, Bộ Y tế Ấn Độ hôm 8/4 thông báo, bắt đầu từ ngày 10/4, nước này sẽ tiến hành tiêm liều tăng cường (mũi vaccine thứ ba) cho toàn bộ người trưởng thành trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi, với mũi tiêm thứ hai cách 9 tháng trước.

Chương trình tiêm liều tăng cường được khởi động từ đầu tháng 1 vừa qua nhưng chỉ giới hạn cho nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu chống dịch, cũng như người cao tuổi. Cho đến nay, Ấn Độ đã tiêm khoảng 24 triệu liều tăng cường.

Với quyết định mở rộng chương trình này, những người nằm ngoài 2 nhóm ưu tiên trên sẽ phải trả tiền để được tiêm liều tăng cường tại các cơ sở y tế tư nhân, cùng với đó không được phép trộn và kết hợp các loại vaccine.

Ngoài Covishield, các loại vaccine khác đã được cấp phép ở Ấn Độ là 2 loại vaccine được sản xuất trong nước Covaxin và Corbevax, cùng vaccine Sputnik V của Nga.

Tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ đã lắng dịu trong những tuần gần đây. Các ca nhiễm mới ở nước này hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua, với chỉ 1.150 ca bệnh mới được báo cáo trong 24 giờ qua, trong đó có 83 ca tử vong.

Giá vaccine phòng Covid-19 ở Ấn Độ giảm mạnh -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Trên phạm vi toàn cầu, Ấn Độ đứng thứ hai về tổng số ca nhiễm với hơn 43 triệu ca, chỉ xếp sau Mỹ với trên 83 nghìn ca nhiễm. Xét về tổng số ca tử vong, Ấn Độ đứng thứ ba với 521 nghìn ca, sau Brazil đứng thứ hai với 661,270 ca, và Mỹ dẫn đầu với trên 1 triệu người không qua khỏi.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ 45 phút sáng 10/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 498.570.009 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.201.796 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là hơn 442 triệu người, trong khi vẫn còn trên 54 nghìn bệnh nhân đang cần điều trị tích cực.

Tính theo khu vực, châu Âu là châu lục chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất với hơn 183,6 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,78 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 143,5 triệu ca mắc và hơn 1,41 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 97 triệu ca mắc và hơn 1,44 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 56,3 triệu ca mắc và hơn 1,29 triệu ca tử vong.

Giá vaccine phòng Covid-19 ở Ấn Độ giảm mạnh -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 818.218 ca mắc mới, trong đó châu Âu cũng chiếm nhiều nhất với 366.530 ca, tiếp đến là châu Á với trên 339 nghìn ca và châu Đại Dương 58.230 ca.

Nhìn chung, xu hướng dịch bệnh đã có chiều hướng giảm trên toàn cầu, ngay cả tại Hàn Quốc - quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất thế giới trong nhiều tuần gần đây cũng đang chứng kiến tình hình dịch bệnh lắng dịu.

Theo đó, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 10/4 thông báo, nước này ghi nhận thêm 164.481 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, đánh dấu số ca mắc mới theo ngày đã giảm xuống dưới 200 nghìn ca trong ngày thứ hai liên tiếp.

Trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan chậm lại sau khi đạt đỉnh vào tháng trước, Hàn Quốc đã lên kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp chống dịch trong nỗ lực trở lại trạng thái bình thường.

Cơ quan y tế Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố 1 "chương trình hậu Omicron" mới, nhằm mục đích dỡ bỏ thêm các quy định giãn cách xã hội và bình thường hóa hệ thống y tế trở lại như thời điểm trước đại dịch. Người dân cũng được phép ra ngoài mà không cần đeo khẩu trang.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ hạ cấp phân loại Covid-19 từ dịch bệnh cấp 1 (cấp cao nhất trong hệ thống 4 cấp) như hiện tại, nhằm hướng tới việc sống chung và xem Covid-19 như 1 bệnh lưu hành, hay còn gọi là bệnh đặc hữu.

Khoảng 44,51 triệu người, tương đương 86,7% dân số Hàn Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 32,92 triệu người, chiếm 64,2% dân số, đã được tiêm liều tăng cường.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải đang tăng cường các nỗ lực nhằm khống chế đợt bùng phát nghiêm trọng đang diễn ra tại trung tâm tài chính này.

Giá vaccine phòng Covid-19 ở Ấn Độ giảm mạnh -0
Bên ngoài bệnh viện dã chiến lớn nhất Thượng Hải được chuyển đổi từ Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc gia nằm ở phía đông thành phố, ảnh chụp ngày 9/4/2022. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Kể từ đầu tháng 3, Thượng Hải đã báo cáo số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, với hơn 150 nghìn ca được ghi nhận tính đến ngày 8/4. Riêng trong 24 giờ qua, thành phố đã phát hiện tới gần 24 nghìn ca nhiễm không triệu chứng.

Trong ngày 9/4, Thượng Hải đã đưa vào sử dụng bệnh viện dã chiến lớn nhất thành phố, đặt tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc gia, nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh ca nhiễm đang tăng cao.

Có diện tích khoảng 600 nghìn m2 với công suất 50 nghìn giường bệnh, bệnh viện được xây dựng khẩn trương với hơn 25 nghìn công nhân từ Hà Bắc, Sơn Đông, Quảng Đông và các khu vực cấp tỉnh khác trên khắp cả nước tham gia xây dựng.

Trong 1 cuộc họp báo hôm thứ bảy, chính quyền thành phố cho biết, Thượng Hải đã cho xây dựng hơn 100 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với hơn 160 nghìn giường bệnh. Ngoài ra còn có 8 bệnh viện được chỉ định điều trị với hơn 8.000 giường.

Về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, sáng 10/4, Ủy ban Y tế quốc gia nước này cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 1.318 ca lây nhiễm cộng đồng trong 24 giờ qua, giảm so với 1.334 ca ghi nhận 1 ngày trước đó.

Ngoài ra, có 25.111 ca nhiễm không triệu chứng mới, trong đó Thượng Hải chiếm nhiều nhất với 23.937 ca, tiếp đó là 755 ca ở Cát Lâm.

Tính đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 164 nghìn ca mắc Covid-19 và tổng số ca tử vong là 4.638 ca.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới