Gia tăng trẻ mắc viêm màng não tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận nhiều trẻ em mắc viêm não, viêm màng não nhập viện điều trị, trong đó có một số trường hợp trẻ sốt cao trên 39 độ C, xuất hiện co giật toàn thân, co cứng chân tay, sùi bọt mép phải chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị lọc máu, thở máy…
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực: Viêm não, viêm màng não do nhiều nguyên nhân gây ra như virus, vi trùng, ký sinh trùng,…
Bệnh xảy ra quanh năm, tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu nhập viện muộn, thậm chí có thể tử vong. Các di chứng có thể gặp sau khi trẻ bị viêm não, viêm màng não thường rất nặng nề như: bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém…
Do đó, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của con, khi trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi và có thêm dấu hiệu li bì, khó đánh thức, nôn ói, bú kém, quấy khóc, phồng thóp… cần nghĩ đến nguy cơ viêm màng não/viêm não.
Với trẻ lớn, đau họng, sốt, nôn ói, đau đầu nhiều là triệu chứng của viêm não, viêm màng não. Những trường hợp này cần được đến các cơ sở y tế để được thăm khám sớm, tránh nguy cơ biến chứng.
Các bác sĩ cảnh báo, từ nay đến cuối năm, ngoài viêm màng não, bệnh thủy đậu cũng có thể sẽ tăng cao, phụ huynh cần cảnh giác đề phòng.
Nhận diện viêm màng não để phòng bệnh đúng cách
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, viêm màng não là tình trạng các màng bảo vệ bao quanh não và tủy sống (màng não) bị nhiễm trùng. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai, nhưng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Viêm màng não do virus ở trẻ sơ sinh có thể khiến trẻ: Biếng ăn; quấy khóc; nôn ói; tiêu chảy; phát ban; các vấn đề về hô hấp
Ở người lớn, viêm màng não do virus biểu hiện bằng tình trạng: Đau đầu; sốt; cổ cứng; co giật; nhạy cảm với ánh sáng chói; buồn ngủ; hôn mê; buồn nôn và nôn; giảm cảm giác thèm ăn; tâm trạng thất thường.
"Viêm màng não do virus thường gặp hơn so với do vi khuẩn và thường ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, có một số virus gây bệnh cùng với viêm não thì diễn tiến và tiên lượng nặng hơn, để lại nhiều di chứng và có thể gây tử vong", bác sĩ Thoa cho hay.
Tiêm chủng để bảo vệ trẻ. |
Với viêm màng não do vi khuẩn, các triệu chứng thường phát triển đột ngột, bao gồm: Tâm trạng thất thường; buồn nôn và nôn; nhạy cảm với ánh sáng; cáu gắt; đau đầu; sốt; ớn lạnh; cổ cứng; một số vùng da chuyển màu tím giống vết bầm tím; buồn ngủ; hôn mê
Viêm màng não do vi khuẩn khởi phát khi vi khuẩn xâm nhập vào máu từ xoang, tai hoặc cổ họng người bệnh. Sau đó, vi khuẩn đi theo dòng chảy của máu đến não. Vi khuẩn gây viêm màng não có thể lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Nếu bạn hoặc con bạn từng tiếp xúc gần với một người bị bệnh do vi khuẩn, hãy hỏi bác sĩ bạn nên làm để giảm nguy cơ mắc bệnh.
"Hầu hết bệnh nhân viêm màng não sẽ hồi phục hoàn toàn sau quá trình được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, đôi khi bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Biến chứng xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng lan đến các dây thần kinh, não hoặc các khu vực khác của cơ thể. Đối tượng thường gặp phải biến chứng bệnh là trẻ rất nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch kém, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người hoàn toàn khỏe mạnh", bác sĩ Thoa cảnh báo.
Viêm màng não do vi khuẩn và virus có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên, bạn cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám và làm xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, từ đó có hướng điều trị đúng đắn.
Để phòng ngừa bệnh viêm màng não, cha mẹ nên giữ ấm, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và lúc có dịch cảm cúm; điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm mũi họng hoặc viêm tai.
Nếu chẳng may tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi trùng não mô cầu, bác sĩ sẽ cho người tiếp xúc thuốc kháng sinh phòng ngừa để giảm khả năng mắc bệnh.
Ngoài ra, tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế khả năng mắc một số loại viêm màng não do vi trùng. Các loại vaccine có thể ngăn ngừa bệnh bao gồm: Vaccine Haemophilus influenzae tuýp B (Hib); vaccine phế cầu khuẩn; vaccine não mô khuẩn.
Ngoài tiêm chủng đầy đủ, phụ huynh cũng cần tuân thủ vệ sinh tay, đeo khẩu trang, vệ sinh thân thể và nơi sinh hoạt, ăn chín uống sôi…