Gần 40% trẻ nhập viện viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma pneumoniae
Gần đây, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều trẻ mắc viêm phổi phải nhập viện điều trị. Trong đó, tỷ lệ mắc M.pneumoniae chiếm 30-40% số bệnh nhân viêm phổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Hoàng Hải, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mycoplasma pneumoniae (M.pneumoniae) là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ em và cũng có biểu hiện một số bệnh lý ở các cơ quan khác ngoài phổi.
Viêm phổi do mycoplasma gây ra bởi vi khuẩn mycoplasma pneumonia. Loại viêm phổi này còn được gọi là viêm phổi không điển hình vì các triệu chứng khác với các triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn thông thường khác.
M. pneumoniae có các protein kết dính có thể gắn vào màng biểu mô, đặc biệt là biểu mô đường hô hấp. Sau khi bám vào, M. pneumoniae sản xuất hydrogen peroxide hoặc superoxide gây tổn thương tế bào biểu mô và tế bào nhung mao. M.pneumonia có khả năng “đào hang” giữa các lông mao trong biểu mô đường hô hấp, cuối cùng gây bong tróc các biểu mô đường hô hấp. Ho kéo dài do ức chế chuyển động của các tế bào nhung mao.
M.pneumoniae có thể có biểu hiện nhẹ và có các triệu chứng không đặc hiệu nhưng có thể chiếm tới 20% các ca mắc viêm phổi cộng động, đặc biệt là ở trẻ em.
M.pneumoniae cũng là một trong những yếu tố khởi phát khò khè hoặc cơn hen ở trẻ, cũng như ảnh hướng đến một số cơ quan khác ngoài phổi bao gồm: da, niêm mạc, cơ, khớp, tim và hệ thần kinh trung ương.
Viêm phổi do mycoplasma pneumoniae có thể từ từ và bán cấp, trẻ có thể sốt nhẹ sau đó tiến triển thành sốt cao hơn và ho dai dẳng. Thời gian ủ bệnh có thể từ 2-3 tuần. Khởi đầu trẻ có thể có những triệu chứng ở đường hô hấp trên như: ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ.
Sau đó bệnh có thể tiến triển hoặc gây biến chứng viêm phổi dẫn đến tình trạng sốt cao, ho kéo dài liên tục, khó thở, một số trẻ lớn có thể khởi phát cơn hen cấp tính hoặc có thêm các triệu chứng khác không điển hình như đau đầu, đau cơ, đau ngực,…
Tại Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có hơn 2 triệu trường hợp nhiễm M.pneumoniae mỗi năm.
Mycoplasma pneumoniae cũng có thể gây ra các bệnh ngoài phổi và nhiễm trùng đường hô hấp như là: xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, viêm gan cấp tính, thiếu máu tan máu tự miễn, viêm khớp và viêm tủy cắt ngang do sản xuất kháng thể chống lại kháng nguyên glycolipid của Mycoplasma pneumoniae phản ứng chéo với tế bào hồng cầu người và tế bào não theo cơ chế tự miễn.
Nhiễm trùng Mycoplasma pneumoniae phổ biến nhất ở trẻ em thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh nhi mắc viêm phổi do mycoplasma pneumoniae. |
Những biến chứng nguy hiểm của viêm phổi do mycoplasma pneumoniae
Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi không điển hình, cha mẹ nên cho trẻ đi khám chuyên khoa nhi để được chẩn đoán chính xác và được điều trị thích hợp.
Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến trẻ phải nhập viện và đôi khi tử vong. Các biến chứng bao gồm: Viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson…
Khi có nghi ngờ trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ làm xét nghiệm để xác định sự hiện diện của Mycoplasma pneumoniae như: Nuôi cấy vi khuẩn tìm vi khuẩn trên môi trường nuôi cấy đặc biệt; PCR là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, được sử dụng hàng đầu hiện nay ở các cơ sở y tế chuyên sâu; chẩn đoán huyết thanh bằng phương pháp ELISA để phát hiện sự có mặt kháng thể IgG và IgM trong huyết thanh.
Thuốc kháng sinh là liệu pháp điều trị đầu tiên đối với viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae. Vi khuẩn Mycoplasma pneumonia không có thành tế bào và do đó có khả năng kháng kháng sinh beta-lactam. Đa phần điều trị với các kháng sinh thông thường sẽ không có đáp ứng,
Một số bệnh nhân có biến chứng nặng hoặc nhiễm thể Mycoplasma pneumonia kháng thuốc sẽ phải nhập viện để có những điều trị đặc hiệu.
Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể lây lan rộng ra cộng đồng. Vì vậy, mọi người nên đi khám bệnh ngay khi có những triệu chứng bất thường như sốt, mệt mỏi, ho dai dẳng tại các cơ sở y tế uy tín.
Về phòng ngừa lây nhiễm, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh M. pneumoniae. Bệnh nhân cần được tư vấn về phòng chống nhiễm trùng và lây nhiễm khi có dịch. Bệnh nhân bị nhiễm M. pneumoniae nên được áp dụng biện pháp phòng ngừa giọt bắn trong toàn bộ thời gian mắc bệnh.
"Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang", bác sĩ Hoàng Hải khuyến cáo.