Trong đó, 4 trên 5 mặt hàng ghi nhận các mức giảm giá mạnh. Nhóm năng lượng đóng vai trò quan trọng trong đà suy yếu chung của toàn thị trường. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch toàn Sở cũng cho thấy tín hiệu sụt giảm, đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Nỗ lực xoa dịu căng thẳng tại Trung Đông kéo giá dầu giảm mạnh
Chốt ngày giao dịch 23/10, giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh nhà lãnh đạo của các quốc gia liên quan nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông, nhằm ngăn chặn xung đột Israel-Hamas. MXV cho biết, điều này làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,94% xuống 85,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 2,53% xuống 89,83 USD/thùng.
Châu Âu cũng có các hành động ngăn chặn cuộc xung đột Israel-Hamas lan rộng. Các nhà lãnh đạo EU tán thành kêu gọi của Liên hợp quốc về việc tạm dừng cuộc chiến vì lý do nhân đạo để viện trợ có thể đến tay người Palestine ở Gaza. Tổng thống Biden mới đây đã thảo luận với tổng thống các nước: Canada, Pháp, Đức và Italia để tăng cường phối hợp giữa các đồng minh. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan và Tổng thống Pháp Macron cũng sẽ đến thăm Israel trong tuần này.
Mặt khác, Hamas đã thả tự do cho hai phụ nữ Israel 79 tuổi và 85 tuổi, nằm trong số hơn 200 con tin bị bắt trong cuộc bạo loạn ngày 7/10 ở miền nam Israel.
Các nhà phân tích của JPMorgan Chase cho rằng, giá dầu Brent đang bị “định giá quá mức” khoảng 7 USD/thùng. Ngoại trừ chiến tranh Yom Kippur năm 1973, không có cuộc xung đột quân sự nào trong số 10 cuộc xung đột quân sự lớn liên quan đến Israel kể từ năm 1967 có ảnh hưởng lâu dài đến giá dầu thô. Ngay cả khi cuộc chiến lan rộng ra ngoài Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, đà tăng của giá dầu khó có thể kéo dài trong dài hạn.
Thêm vào yếu tố gây áp lực lên giá, tín hiệu gia tăng sản lượng ở Venezuela có thể giảm thiểu rủi ro nguồn cung thắt chặt trên thị trường. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo Venezuela có thể tăng sản lượng dầu thô lên 200.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2024, từ mức 135.000 thùng/ngày vào năm 2023.
Theo EIA, các công ty liên doanh do Eni, Repsol và Maurel & Prom điều hành có thể tăng sản lượng thêm 50.000 thùng/ngày trong thời gian tới, đưa tổng sản lượng dầu thô của Venezuela tăng lên khoảng 900.000 thùng/ngày vào cuối năm 2024.
Về yếu tố vĩ mô, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm đã tăng lên trên mức 5% lần đầu tiên sau 16 năm. Lợi suất trái phiếu tăng nhanh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động mạnh mẽ có thể bảo đảm các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Lo ngại lãi suất duy trì cao trong thời gian dài có thể làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế, hạn chế nhu cầu dầu.
MXV nhận định, nhìn chung, giá dầu vẫn đang phản ứng khá nhạy cảm với những biến động tại khu vực Trung Đông. Các nỗ lực ngoại giao đang giúp giá dầu hạ nhiệt, nhưng bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng sẽ đều đẩy giá dầu tăng trở lại và diễn biến vẫn còn khó đoán. Do đó, giá dầu có thể có các nhịp giảm điều chỉnh, nhưng xu hướng chung trong ngắn hạn thì nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì trên vùng 80 USD/thùng đối với dầu WTI và khoảng 85 USD/thùng đối với dầu Brent. Đà tăng có thể được thúc đẩy hơn nếu dữ liệu GDP quý III của Mỹ cuối tuần này tích cực hơn dự báo.
Cà-phê Robusta tăng 8 ngày liên tiếp, chạm mốc đỉnh 4 tháng
Kết thúc ngày 23/10, giá hai mặt hàng đường dẫn đầu đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cụ thể, giá đường 11 tăng 2,35% và giá đường trắng cao hơn 2,24% so tham chiếu. Nguồn cung bấp bênh tại các quốc gia sản xuất hàng đầu đang thúc đẩy giá đi lên.
Mưa lớn tại Brazil không chỉ khiến hoạt động vận chuyển đường gặp khó khăn, điều này còn gây áp lực lên hoạt động sản xuất đường trong nửa đầu tháng 10. Trước đó, tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA đã dự đoán sản lượng đường nửa đầu tháng 10 tại Brazil sẽ có sự suy yếu do ảnh hưởng xấu từ thời tiết.
Đồng thời, những lo ngại về El Nino khiến sản lượng đường thấp tại Ấn Độ và Thái Lan vẫn còn hiện hữu. Trong tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định sẽ gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu vô thời hạn và chưa rõ hạn ngạch xuất khẩu cho vụ mới.
Giá bông cũng ghi nhận mức tăng khá tốt khi đóng cửa cao hơn mức tham chiếu gần 2%. Dollar Index yếu đi đã phần nào thúc đẩy lực mua trở lại thị trường.
Chỉ số Dollar Index đã giảm 0,59% ngay phiên đầu tuần, đồng nghĩa với việc đồng USD suy yếu và giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí giảm đi đã kích thích lực mua gia tăng, từ đó kéo giá đi lên.
Thị trường tiếp tục hướng chú ý đến giá cà-phê. Chốt ngày hôm qua, giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 8 liên tiếp, đẩy giá giao dịch hiện tại lên cao nhất trong 4 tháng. Giá Arabica cũng tăng thêm 0,36%, vẫn ở mức giá cao nhất trong hơn hai tháng. Lo ngại về khả năng xuất khẩu cà-phê đang là yếu tố chính hỗ trợ giá.
Mưa dự kiến tiếp tục lan rộng tại khu vực phía nam và Đông Nam của Brazil, hoạt động vận chuyển cà-phê của nông dân có thể khó khăn hơn. Điều này tạo tâm lý hoang mang và lo ngại về việc hạn chế xuất khẩu tại Brazil. Bên cạnh đó, nguồn cung tại Việt Nam càng khan hiếm hơn khi cà-phê vụ cũ đã hết mà vụ mới chưa sẵn sàng để cung ứng cũng tạo áp lực cho hoạt động xuất khẩu.
Cập nhật đến hôm qua 23/10, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đang ở mức thấp nhất trong 11 tháng với 421.424 bao loại 60kg. Trong khi đó, tổng lượng Robusta ghi nhận tại Sở ICE-EU là 35.860 tấn, thấp nhất trong 10 tuần và đang quay về vùng thấp lịch sử từng ghi nhận từ năm 2016.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ tăng mạnh 1.000 đồng/kg, đưa giá thu mua cà-phê trong nước lên mức 60.400-61.300 đồng/kg. Như vậy, sau ngày giảm sốc hơn 7.000 đồng/kg vào ngày 19/10, giá cà-phê nội địa đã tăng liên tục 4 ngày. Tuy nhiên, tổng mức tăng vẫn chưa thể xóa hoàn toàn mức sụt giảm mạnh sau ngày điều chỉnh giảm sốc vừa qua.