Lo ngại biến động kéo dài đẩy giá dầu tuần qua tăng vọt 7%

Đóng cửa tuần giao dịch 9-15/10, giá dầu lấy lại đà tăng mạnh sau tuần lao dốc trước đó. Diễn biến căng thẳng mới trong cuộc xung đột giữa Israel và phiến quân Hamas đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu mỏ.
0:00 / 0:00
0:00
 Lo ngại biến động kéo dài đẩy giá dầu tuần qua tăng vọt 7%

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu vừa đóng cửa một tuần khởi sắc tích cực. Lực mua hoàn toàn áp đảo với nhiều mặt hàng tăng vọt, đã thúc đẩy chỉ số MXV-Index bật tăng 2,28% từ vùng thấp nhất 3 tháng ghi nhận vào tuần trước đó, lên mức 2.242 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở khá ổn định trong thời gian gần đây, đạt trung bình 3.700 tỷ đồng mỗi ngày.

Đóng cửa tuần, giá dầu lấy lại đà tăng mạnh sau tuần lao dốc trước đó. Diễn biến căng thẳng mới trong cuộc xung đột giữa Israel và phiến quân Hamas làm dấy lên lo sợ về một cuộc chiến ủy nhiệm tại khu vực Trung Đông. Đây là trung tâm sản xuất và vận chuyển dầu lớn trên thế giới. Điều này đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu mỏ.

Ngoài ra, dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới cho thấy nguy cơ nguồn cung tiếp tục thâm hụt trong quý IV cũng đẩy giá dầu lên cao.

Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 tăng gần 6% lên mức 87,69 USD/thùng. Dầu Brent tháng 12 chốt tuần với mức giá 90,89 USD/thùng, cao hơn 7,46% so với tuần trước đó..

 Lo ngại biến động kéo dài đẩy giá dầu tuần qua tăng vọt 7% ảnh 1

Mở cửa đầu tuần trước, giá dầu tăng vọt hơn 3 USD/thùng khi phiến quân Hamas phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất vào Israel, khiến Israel trả đũa bằng một đợt không kích vào dải Gaza. Giá dầu nóng lên chủ yếu từ tâm lý thị trường do cả Israel và Palestine đều không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn. Giá dầu cũng đã hạ nhiệt nhẹ trong các phiên sau đó.

Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, giá dầu bất ngờ tăng vọt gần 6% trong bối cảnh các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa Israel và quân đội Hezbollah, được Iran hậu thuẫn, ở biên giới Liban làm dấy lên lo ngại xung đột có thể lan rộng ra nhiều mặt trận. Iran giữ vai trò là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 5 trên thế giới và kiểm soát eo biển Hormuz, nơi 1/5 lượng dầu thế giới được vận chuyển hàng ngày.

Trong khi đó, các tổ chức năng lượng lớn trên thế giới tiếp tục đưa ra dự báo về tình hình thâm hụt trên thị trường dầu giai đoạn cuối năm trong báo cáo tháng 10.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã điều chỉnh tăng ước tính tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 9, lên mức 2,3 triệu thùng/ngày. Về phía nguồn cung, tăng trưởng nguồn cung toàn cầu trong 2023 được IEA giữ nguyên với mức dự báo tăng 1,5 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ước tính thị trường sẽ thiếu đi gần 1,4 triệu thùng/ngày trong quý III và thâm hụt thị trường có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày nếu sản lượng của nhóm được duy trì trong quý IV. Tổ chức này cũng điều chỉnh tăng ước tính tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay thêm 0,1 điểm phần trăm lên mức 2,8%.

Theo báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu Brent dự báo sẽ đạt trung bình 90,67 USD/thùng trong quý cuối năm, và sẽ phục hồi mạnh mẽ lên mức trung bình 94,67 USD/thùng trong năm 2024 dưới tác động đến từ yếu tố nguồn cung thu hẹp.

Cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, các dự báo về cung cầu cũng đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong tuần qua.

Dữ liệu theo dõi tàu Bloomberg cho thấy xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển cũng giảm mạnh trong tuần trước, với khoảng 3,23 triệu thùng dầu/ngày, giảm khoảng 490.000 thùng mỗi ngày so với bảy ngày trước đó.

Đối với nguồn cung Mỹ, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ đã kết thúc chuỗi 3 tuần giảm trước đó, sau khi tăng thêm 3 giàn lên mức 622 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 13/10. Tuy nhiên, số giàn khoan dầu vẫn ở vùng thấp kê từ tháng 2/2022.