Gia Lai: Triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

NDO -

Trong 2 ngày 19 và 20/11, tỉnh Gia Lai ghi nhận 198 ca mắc Covid-19 mới; chỉ riêng trong ngày 19/11, số ca mắc ghi nhận đến 112 ca, cao kỷ lục từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay. 

Từ việc người dân dự đám tang, trở thành ổ dịch, Làng 50 (TP. PleiKu, Gia Lai) đang được phong tỏa để phòng chống dịch. (Ảnh: NHƯ NGUYỆN)
Từ việc người dân dự đám tang, trở thành ổ dịch, Làng 50 (TP. PleiKu, Gia Lai) đang được phong tỏa để phòng chống dịch. (Ảnh: NHƯ NGUYỆN)

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai đã có công văn hỏa tốc số 691/CV-BCĐ về việc triển khai một số biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch lây lan trên địa bàn tỉnh.

Trong số gần 200 ca mắc, riêng xã Hà Bầu (huyện Đắk Đoa) ghi nhận 124 ca, trở thành điểm nóng mới về dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Ổ dịch bước đầu được xác định, có nguồn lây từ ổ dịch thuộc xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), trải qua 3, 4 chu kỳ lây nhiễm, hết sức phức tạp và chỉ trong thời gian ngắn khởi phát đã lan rộng tại 7/8 thôn, làng trên địa bàn xã Hà Bầu.

Ngay trong chiều 19/11, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai đã trực tiếp đến xã Hà Bầu nắm tình hình và có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Đắk Đoa. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Lịch chỉ đạo, dịch bệnh có thể còn lan rộng trên địa bàn xã Hà Bầu và các xã lân cận khác. Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đắk Đoa cần khẩn trương triển khai các biện pháp khẩn cấp để lấy mẫu, xét nghiệm, khẳng định F0, truy vết, bóc tách F0, F1, F2 theo quy định; thực hiện phong tỏa chặt xã Hà Bầu, đánh giá, khoanh vùng mở rộng các khu vực lân cận; thời hạn xét nghiệm 24 giờ kể từ 14 giờ ngày 19/11.

Gia Lai: Triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 -0
Lực lượng quân đội tiến hành phun khử khuẩn tại trụ sở HĐND-UBND xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) (Ảnh: NHƯ NGUYỆN) 

Ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Đoa cho biết: Khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tại xã Hà Bầu nói riêng, huyện Đắk Đoa nói chung hiện nay là đang vào vụ thu hoạch, người dân thường xuyên qua lại, đổi công cho nhau giữa các làng. Việc bị phong tỏa tạm thời, cách ly phòng, chống dịch đồng nghĩa với việc họ không thể thu hoạch hoa màu sẽ dẫn đến tâm lý lo lắng. “Trong bối cảnh như thế này, huyện cũng đã có phương án chỉ đạo các đơn vị, ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp hỗ trợ người dân trong vấn đề thu hoạch vụ mùa, giúp bà con an tâm cách ly phòng, chống dịch bệnh”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Đoa cho biết thêm.

Ổ dịch tại Hà Bầu, theo nhận định của cơ quan chức năng xuất phát từ đám tang tại làng Nú vào ngày 12/11. Qua test nhanh, cơ quan chức năng ghi nhận 20 ca dương tính với  SARS-CoV-2. Điều đáng nói, trường hợp người dân dự đám tang ở làng và sau đó làm lây lang ở Hà Bầu không phải là cá biệt. Trước đó, tại làng 50 (thành phố PleiKu) cũng từ một đám tang, đã khiến hàng trăm người dân bị dương tính với SARS-CoV-2. Và không chỉ có vậy liên tiếp sau đó, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm người dân thuộc các làng Ốp (phường Hoa Lư) làng Kép (phường Đống Đa)… bị nhiễm bệnh. Hiện các làng trên đang được phong tỏa, cách ly diện hẹp để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch lây lan.

Từ diễn biến của dịch bệnh và các ca nhiễm được phát hiện tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có thể liên quan đến một thực tế rất đáng quan tâm: Theo tập quán đang tồn tại trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nếu một làng nào có đám tang (hoặc lễ hội), thì người dân các làng lân cận (thậm chí các làng ở xa, nếu được tin) sẽ đến tham dự; cá biệt ở một số nơi, sự việc có khi diễn ra nhiều ngày. Do vậy, việc đồng bào tụ tập, lại thiếu biện pháp phòng dịch; ăn uống, sinh hoạt chung trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, có thể nói, đang là nguyên nhân và là mối nguy hiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro trong các làng, nơi đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Vấn đề này đòi hỏi chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức quần chúng cùng vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời phải gắn với kiên quyết áp dụng những biện pháp hành chính, hạn chế tập trung đông người, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như tuân thủ biện pháp 5K… nhằm tránh những sự việc đáng tiếc như vừa qua.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết: Các ổ dịch hiện nay tập trung tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Pleiku, huyện Chư Păh và mới đây là Đắk Đoa, có nguyên nhân từ việc tập trung đông người và thiếu các biện pháp phòng chống dịch. Thời gian tới, có thể tiếp tục lan rộng ra nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các địa phương cần triển khai kịp thời biện pháp hành chính phù hợp, thực hiện khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm dịch tễ, xét nghiệm nhanh…

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan