Gia Lai: Tổng kết 10 năm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

NDO - Chiều 18/7, Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Các đồng chí: Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Lê Văn Chí, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị.

Báo cáo tổng kết tại hội nghị khẳng định: Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.

Qua 10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, nâng cao vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi với tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương.

Gia Lai: Tổng kết 10 năm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ảnh 1

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW càng có ý nghĩa hơn khi Gia Lai là tỉnh miền núi, dân tộc còn nhiều khó khăn. Đến ngày 31/12/2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 31.502 hộ, chiếm tỷ lệ 8,11% tổng số hộ dân; hộ cận nghèo là 35.749 hộ, chiếm tỷ lệ 9,21% tổng số hộ dân; trong đó, hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số là 28.173 hộ, chiếm tỷ lệ 17,05% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

Gia Lai: Tổng kết 10 năm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ảnh 2
Đồng chí Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tỉnh Gia Lai đã triển khai tín dụng chính sách đến 100% các xã, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bình quân hằng năm, tăng trưởng tín dụng từ 10% trở lên. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ đạt 7.288 tỷ đồng, tăng 4.495 tỷ đồng so với năm 2014, với 156.574 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Tổng doanh số cho vay từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW đến nay đạt 16.853 tỷ đồng, với 532.257 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 8.001 tỷ đồng (chiếm 47,5% tổng doanh số cho vay), với 254.322 hộ vay vốn.

Vốn vay các chương trình tín dụng chính sách góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

Trong 10 năm qua, việc sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả là “đòn bẩy’ mềm giúp cho các đối tượng chính sách, người yếu thế phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Toàn tỉnh đã có 532.257 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giúp cho hơn 55.600 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 15.357 học sinh, sinh viên khó khăn có điều kiện đi học; tạo điều kiện cho gần 54 ngàn lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập; 255 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng hơn 242 ngàn công trình nước sạch, hơn 3 ngàn căn nhà cho hộ nghèo....

Gia Lai: Tổng kết 10 năm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ảnh 4
Đồng chí Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao bằng khen cho các tập thể xuất sắc.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 của tỉnh và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Tập trung rà soát, có kiến nghị, đề xuất có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và xã hội.

Hằng năm và trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn vốn hợp pháp khác sang ngân hàng Chính sách xã hội, phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 15% nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần tăng cường công tác phối hợp triển khai các hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội, đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm là đơn vị nhận ủy thác cho vay, tích cực phối hợp ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền tín dụng chính sách, việc bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn đoàn viên, hội viên sử dụng vốn vay có hiệu quả và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình tiên tiến, gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tạo niềm tin của người dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của ngân hàng Chính sách xã hội.