Đà tăng đến từ lực mua rất mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng, mà đặc biệt là các hợp đồng xăng dầu. Đóng cửa tuần, nhiều mặt hàng ghi nhận các mức tăng vọt lớn nhất trong vòng nhiều tháng. Có thể kể đến, nhận hỗ trợ từ xu hướng của giá dầu, giá các mặt hàng dầu thực vật cũng ghi nhận những mức tăng rất mạnh. Dầu cọ Malaysia tăng vọt 12% sau 1 tuần, dầu đậu tương bật tăng hơn 8%.
Thị trường kim loại diễn biến trái chiều, theo sát xu hướng chỉ số Dollar Index
Kết thúc tuần giao dịch 3/10 - 9/10, nhóm kim loại chia thành hai nửa xanh đỏ. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc đóng cửa với mức giá cao nhất trong vòng 7 tuần, lấy lại mốc 20,25 USD/ounce sau khi tăng 6,39%. Bạch kim đóng cửa tuần tăng 3,84% lên mức 917,9 USD/ounce.
Dữ liệu sản xuất tại Mỹ bất ngờ tiêu cực trong tháng 9, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM) giảm mạnh từ mức 52,8 trong tháng 8 xuống 50,9 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 52,2 theo ước tính của các chuyên gia kinh tế. Điều này đã khiến đồng Dollar Mỹ suy yếu 2 phiên đầu tuần khi thị trường cho rằng tăng trưởng chậm lại có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhẹ tay hơn trong tiến trình tăng lãi suất, nhất là khi Ngân hàng Trung ương Úc có hành động bất ngờ chỉ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản khiêm tốn. Chỉ trong 2 phiên, giá bạc và bạch kim vốn chịu sức ép bán mạnh trong giai đoạn trước đó đã bật tăng gần 10%.
Tuy nhiên, các dữ liệu về việc làm của Mỹ tiếp tục cho thấy bức tranh về một thị trường lao động tích cực. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người có việc ngoài ngành nông nghiệp tăng thêm 263.000 người trong tháng 9. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm từ 3,7% hồi tháng 8 xuống còn 3,5% bất chấp môi trường lãi suất tăng mạnh. Đồng Dollar Mỹ phục hồi trong 3 phiên cuối tuần khiến lực bán quay trở lại với nhóm kim loại quý. Mặc dù vậy, sức mua mạnh mẽ hồi đầu tuần đã giúp bạc và bạch kim kết thúc tuần trong sắc xanh.
Nhóm kim loại cơ bản cũng theo sát các yếu tố vĩ mô trong bối cảnh thị trường tiêu thụ lớn nhất, Trung Quốc trải qua tuần nghỉ lễ Quốc khánh. Lo ngại về nguồn cung khi Sở giao dịch kim loại London (LME) thảo luận về khả năng cấm một số mặt hàng kim loại của Nga trước ngày 28/10 đã khiến giá nhôm và nickel tăng hơn 6%. Trong khi đó, sức ép vĩ mô lấn át vẫn khiến mặt hàng đồng, thước đo sức khỏe của nền kinh tế kết thúc tuần giao dịch trong sắc đỏ. Giá đồng COMEX giảm 0,76% xuống 3,38 USD/pound trong khi đồng LME cũng suy yếu với mức giảm 1,36%.
Dầu thô vượt xa mốc 90 USD/thùng, tăng mạnh 10 USD/thùng chỉ sau 1 tuần
Giá dầu tăng mạnh trở lại trong tuần vừa qua bởi động lực chính là quyết định cắt giảm sản lượng sau cuộc họp chính sách tháng 10 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+. Cụ thể, giá WTI tăng 16,54% lên 92,64 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 15,01% lên 97,92 USD/thùng.
Trong tuần, giá tăng 5 phiên liên tiếp, và kết thúc với mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 9. Quyết định cắt giảm sản lượng ở mức 2 triệu thùng/ngày, tương đương với 2% nguồn cung trên thế giới. Nếu xét đến 14 trên 20 thành viên và đồng minh đang tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, thực chất sẽ chỉ có vài nước trong tháng 11 phải sản xuất ít đi. Như vậy, mức cắt giảm sản lượng thực tế sẽ rơi vào khoảng 600.000-1,1 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ đẩy thị trường rơi vào trạng thái thiếu hụt.
Các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu trong các tháng cuối năm nay tăng thêm 10 USD/thùng, và kỳ vọng giá sẽ sớm quay trở lại ngưỡng 100 USD/thùng do các bất ổn nguồn cung đang gia tăng. Thời hạn tiến hành cấm vận dầu của Nga đang đến gần, và theo các ước tính, khi châu Âu cấm nhập khẩu dầu Nga, và nếu nước này không tìm được đủ người mua thay thế, sản lượng dầu có thể sẽ giảm ít nhất vài trăm nghìn thùng/ngày.
Trong khi đó, khó có thể kỳ vọng nước Mỹ, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, có thể tìm ra giải pháp để giải cứu thị trường. Theo số liệu của hãng cung cấp dịch vụ Baker Hughes, trong tuần kết thúc ngày 7/10, số giàn khoan dầu khí tại Mỹ giảm 3 chiếc xuống 762 chiếc. Trong số đó, số giàn khoan dầu giảm 2 chiếc, giàn khoan khí giảm 1 chiếc. Thiếu hụt trang thiết bị và nhân công, vốn và áp lực từ các nhà đầu tư trong việc nâng cao lợi nhuận thay vì tái đầu tư đang làm giảm sản lượng.
Tuy vậy, nhu cầu có khả năng sẽ tăng trở lại, với sức mua đến từ các quốc gia tại khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Theo thông tin mới nhất Trung Quốc đã cấp hạn ngạch nhập khẩu đầu tiên cho các nhà máy lọc dầu độc lập ở mức 20 triệu tấn dầu cho năm 2023, tương đương 146 triệu thùng dầu, sớm hơn 3 tháng so với hàng năm, gợi ý nước này đang muốn khuyến khích các nhà sản xuất tăng hoạt động lọc dầu. Điều này có thể sẽ khích lệ Trung Quốc tăng thu mua dầu trên thị trường và thúc đẩy đà tăng của giá dầu. Nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc do Zero-Covid là một trong các nguyên nhân gây áp lực lớn lên giá dầu trong giai đoạn quý III/2022.
Giá dầu tăng vọt hơn 15%, dẫn dắt đà tăng mạnh của thị trường hàng hóa
Theo MXV, sức ép từ việc thiếu hụt nguồn cung đang lớn dần lên sau khi OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 2% nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới. Nếu kế hoạch này được duy trì cho đến đầu năm sau, thị trường gần như chắc chắn sẽ trở lại tình trạng mất cân bằng cung-cầu.
Đầu tuần này, giá dầu có thể gặp áp lực điều chỉnh khi mà thị trường đã hấp thụ hết các thông tin tiêu cực về nguồn cung thể hiện ở liên tiếp các phiên tăng rất mạnh trong suốt tuần qua. Tuy nhiên, khả năng sản xuất để bù đắp vào thiếu hụt nguồn cung từ Nga và OPEC+ vẫn rất mong manh sẽ khiến giá dầu khó có thể giảm sâu và sẽ tiếp tục duy trì ở vùng giá cao. Giá dầu vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt và là tín hiệu chỉ báo chung cho toàn thị trường hàng hóa.
Tuần này, lần lượt các cơ quan, tổ chức năng lượng lớn trên thế giới là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC, Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ EIA, và Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA sẽ phát hành báo cáo tháng 10. Trong giai đoạn thị trường dầu đang nhiều bất ổn, các báo cáo tháng sẽ là tâm điểm của các nhà đầu tư và giới phân tích nói chung. Trong khi đó, các mặt hàng kim loại sẽ rất nhạy cảm với biến động của chỉ số Dollar Index cũng như việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương thế giới.