Tại cuộc họp trực tiếp đầu tiên sau đại dịch Covid-19, các Bộ trưởng Năng lượng của OPEC+ đã quyết định cắt giảm mạnh sản lượng và đây cũng là đợt giảm sản lượng lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2020.
Hồi tháng 4/2020, khi Covid-19 hoành hành, OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong nỗ lực đảo chiều lao dốc giá dầu thô vì tác động của các biện pháp phong tỏa phòng dịch.
Từ năm 2021, OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng sau khi thị trường phục hồi. Sản lượng trở về mức trước đại dịch trong năm 2022 nhưng chỉ trên văn bản vì một số thành viên phải chật vật để đạt chỉ tiêu tăng sản lượng. Ðến tháng 9 vừa qua, sau hơn một năm, lần đầu tiên OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng nhưng chỉ là một động thái tượng trưng với mức cắt giảm là 100.000 thùng/ngày từ tháng 10.
Trong những tuần gần đây, giá dầu thế giới giảm xuống mức của thời điểm trước khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine do lo ngại kinh tế toàn cầu suy giảm. Tuy nhiên, trong những ngày qua, giá dầu tăng trở lại dựa trên dự báo OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng.
Trong cuộc họp chính sách ngày 5/10 tại Vienna (Áo), các Bộ trưởng Năng lượng OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới, Ngay sau quyết định này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,24 USD (1,4%), lên 87,76 USD/thùng, Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 1,57 USD (1,7%), lên 93,37 USD/thùng.
Việc OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng gây ảnh hưởng tới nỗ lực của Mỹ nhằm chặn đà tăng giá xăng dầu trong nước. Mỹ đã đề nghị OPEC+ không tiếp tục cắt giảm mạnh sản lượng và cho rằng các yếu tố cơ bản của kinh tế cho thấy hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Phản ứng trước động thái của OPEC+, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đó là quyết định "thiển cận"; đồng thời kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Mỹ tìm cách đẩy mạnh sản xuất năng lượng trong nước, làm suy giảm khả năng kiểm soát giá năng lượng của OPEC. Ông chủ Nhà trắng để ngỏ khả năng tiếp tục mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng trên thị trường và giữ giá ở mức thấp.
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà trắng Jake Sullivan và Cố vấn Kinh tế Nhà trắng Brian Deese thông báo rằng, Tổng thống Biden sẽ xuất thêm 10 triệu thùng dầu nữa trong tháng này và sẽ tiếp tục chỉ đạo xuất kho dự trữ chiến lược một cách phù hợp nhằm bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và thúc đẩy an ninh năng lượng.
Quyết định giảm sản lượng được đánh giá như một động thái "tăng áp" cho giá dầu, song tiếp tục đẩy lạm phát lên cao dù đã lên tới những mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại. Hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Saudi Arabia, nước dẫn đầu OPEC, tăng sản lượng để kiềm chế giá dầu.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, giá dầu thô đã giảm do lo ngại nhu cầu sẽ giảm và nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái. Craig Erlam, chuyên gia phân tích thuộc sàn giao dịch OANDA, cho rằng, với những người tiêu dùng chỉ vừa mới thở phào vì giá dầu giảm vài tháng qua thì thông tin mới này sẽ không dễ chấp nhận.
Trong khi đó, trái ngược với phản ứng của Mỹ, Phó Tổng thống phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tareck el Aissami lại đánh giá cao quyết định cắt giảm mạnh sản lượng của OPEC+. Ông Tareck el Aissami nhấn mạnh, sự cân bằng của thị trường năng lượng là cần thiết để bảo đảm nguồn cung đáng tin cậy cho tất cả các quốc gia.
Quyết định cắt giảm sản lượng đúng như dự báo của giới phân tích về một động thái để kéo giá dầu tăng trở lại. Tuy nhiên, đây cũng là quyết định không được Mỹ mong đợi trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đang nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã. Giá dầu tăng gây lo ngại có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn và khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn ■