Gây quỹ làng từ cà-phê

Xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai có hơn 2.200 hộ sản xuất nông nghiệp, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Bằng nhiều cách làm, Hội Nông dân xã không chỉ thu hút sự tham gia của hội viên, mà còn trở thành chỗ dựa tin cậy, gắn kết cộng đồng, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là mô hình “gây quỹ làng từ cà-phê”.
0:00 / 0:00
0:00
Những con đường bê-tông hình thành từ nguồn quỹ cà-phê.
Những con đường bê-tông hình thành từ nguồn quỹ cà-phê.

Trên đường tham quan một vòng làng Đơk Rơng, chúng tôi được vui lây với niềm phấn chấn của anh Byuih, Chi hội trưởng Chi hội nông dân. Mỗi khi đi qua một công trình, mà theo anh thì đó là công sức, tiền của của người dân làng anh xây dựng nên: Đây là nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, kia là cổng làng khang trang, bề thế, xây dựng bằng bê-tông cốt thép; những con đường bê-tông ngày một kéo dài ra…

Dừng chân tại vườn cà-phê của làng, anh Byuih cho biết, vườn cà-phê này có từ năm 2005, khi ấy nơi đây là đất bỏ hoang. Sau khi được các đồng chí lãnh đạo huyện, xã gợi ý, Chi hội nông dân đứng ra chủ trì. Sau đó, được sự thống nhất cao, người dân đã tự nguyện góp công, góp sức cải tạo và trồng 2,6 ha cà-phê, xem đây là tài sản chung của làng, mà mỗi người đều có trách nhiệm tham gia. “Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, cây cà-phê phát triển chất lượng và cho thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng/năm từ việc bán sản phẩm cà-phê, số tiền này được bà con nhất trí đưa vào quỹ chung của làng”, anh Byuih cho hay.

Cũng theo anh Byuih, từ số tiền thu được từ vườn cà-phê này, làng luôn chủ động trong việc chi tiêu phục vụ cho việc chung. Nguồn quỹ này được sử dụng cho nhiều mục đích, như mua phân bón, tưới, tiêu cho cà-phê, giúp nhiều hộ vay không lấy lãi, bình quân 3 đến 4 triệu đồng mỗi hộ; hỗ trợ gạo cho hộ nghèo thiếu ăn trong mùa giáp hạt… Quỹ cũng đóng góp cùng Nhà nước làm gần 3 km đường giao thông, tu sửa hơn 400 m đường nội đồng và xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, với số tiền khoảng 400 triệu đồng.

Để mô hình hoạt động hiệu quả, thôn Dơk Rơng đã giao cho Chi hội nông dân quản lý và chia các hộ dân thành 10 tổ theo số lượng nhân khẩu tương ứng, mỗi tổ chăm sóc từ 160 đến 200 gốc cà-phê. Mỗi lần bón phân, tưới nước, làm cỏ hay thu hoạch đều có sự tham gia của các hộ. Ngoài ra, mỗi tổ cũng cử ra một người tuần tra bảo vệ nông sản.

Anh Huân, ở thôn Dơk Rơng, chia sẻ: Mỗi người trong từng tổ đều có ý thức, trách nhiệm, hăng hái tham gia. Hầu như năm nào diện tích cà-phê của các tổ cũng đều đạt năng suất cao. Sau khi thu hoạch, số tiền thu được từ bán sản phẩm cà-phê sau khi trừ chi phí ban đầu, số tiền còn lại sẽ chi dùng cho các mục đích chung, nhưng đều phải họp thông qua các hộ dân trong tổ trên tinh thần dân chủ.

Ông Amyên, Bí thư Chi bộ thôn Dơk Rơng hào hứng: Từ khi có nguồn thu, làng đã có nhiều tiện ích và sinh hoạt tốt hơn. Nhờ đó, các hộ dân không chỉ giảm bớt được các khoản phí tổ chức lễ, tiệc mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần. Nói thêm về việc này, chị Nhem, Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar cho biết: Toàn xã Glar có 9 thôn, làng, tất cả đều xây dựng được quỹ, với diện tích canh tác hơn 14,8 ha, chủ yếu là cây cà-phê, bời lời. Làng cao nhất có 4 đến 5 ha, mỗi năm số tiền thu được bổ sung cho quỹ của các làng, xã hơn 1 tỷ đồng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Glar Thái Văn Hưng cho biết: Mô hình “Gây quỹ tập thể của Chi hội nông dân xã Glar” được triển khai từ năm 2003-2004. Xuất phát từ thực tế, trên địa bàn xã diện tích đất bỏ hoang còn khá lớn, Đảng ủy đã vận động và nhận được sự đồng thuận cao của người dân, tận dụng quỹ đất để phát triển sản xuất, chống lãng phí; đồng thời, giúp bà con các làng nâng cao ý thức vì cộng đồng, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó; chung tay xây dựng nông thôn mới.

Khi đã hình thành vườn sản xuất, thôn tiến hành chia ra thành nhiều tổ sản xuất từ 3 đến 5 hộ, trên cơ sở đó, các tổ được phân công phần việc đảm nhận cụ thể… Theo sự thống nhất chung, việc tham gia phát triển vườn cà-phê, người dân tự nguyện đóng góp công sức, số tiền thu được sau khi trích để mua phân bón đầu tư lại vườn cho mùa sau, toàn bộ được sung vào quỹ của thôn, làng. Quan trọng hơn, từ khi xây dựng được quỹ này, nhiều việc của xã, của làng được chủ động, không phải chờ đợi hoặc phụ thuộc vào kinh phí cấp trên, như làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, cổng làng; giúp các hộ xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Trồng cà-phê gây quỹ là sự sáng tạo của nhân dân các làng ở xã Glar không chỉ tạo sự thay đổi tích cực trong ý thức của người dân, mô hình này còn góp phần gắn kết cộng đồng, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng các công trình công cộng phục vụ chung, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển quê hương. “Đây là một điển hình về sự sáng tạo, đoàn kết của người nông dân ở các buôn làng trong thời kỳ mới”, Bí thư Đảng ủy xã Glar khẳng định.