35 năm trước, thế hệ doanh nhân đầu tiên sau "Ðổi mới" đã khởi nghiệp đầy gian nan vất vả vì thôi thúc phải mưu sinh. Còn với đội ngũ DN, doanh nhân hiện nay, việc làm ra của cải vật chất còn là trọng trách, là sứ mệnh lịch sử để hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng thịnh vượng của dân tộc.
Ðột phá về chính sách
Ngay sau thành công của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) tổ chức liên tiếp hai cuộc tọa đàm lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN và giới chuyên gia kinh tế về đề án Phát triển DN nhà nước (DNNN) quy mô lớn và đề án Ðổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, Bộ trưởng KH và ÐT Nguyễn Chí Dũng rất tâm đắc với việc lồng ghép các quan điểm, nội dung và giải pháp của đề án vào các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng. "Ðây sẽ là những bước đi cụ thể, kịp thời để triển khai Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống. Làm thế nào để quản lý nhà nước không nặng nề, không kìm hãm sự phát triển của DN; giải phóng điểm nghẽn, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, để họ yên tâm đầu tư lâu dài thay vì đầu cơ vào vàng, bất động sản.
Chúng ta có thể sẽ không vượt qua bẫy thu nhập trung bình nếu không thay đổi kịp thời. Cơ hội chỉ còn 10 năm nữa thôi vì đến năm 2030, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn già hóa dân số", Bộ trưởng trăn trở. Thay đổi căn bản về cơ chế, chính sách cho phát triển DN trong thời gian tới được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng diễn giải một cách dễ hiểu: Quản lý nhà nước phải có hình phễu, tất cả mọi thứ được tự do, thuận lợi chảy vào, sau đó mới dùng các cơ chế, chính sách, kiểm tra giám sát và hậu kiểm cho tốt. Bây giờ, chúng ta đang theo hình nón, cái gì vào là ghè ngay, nào đất đai, vốn liếng,… không thể tiếp cận được, còn tạo ra cơ chế xin - cho.
Thời gian gần đây, DN tư nhân không chỉ tập trung những ngành thâm dụng lao động giản đơn mà đã thực hiện các công trình lớn, tham gia công đoạn phức tạp trong công nghệ. Ðã có nhiều tập đoàn tư nhân đảm nhận vai trò đầu tàu ở một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô-tô, sắt thép, hóa chất,… Phát biểu ý kiến tại "Ðối thoại 2045" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đầu tháng 3 vừa qua, doanh nhân Ðỗ Minh Phú, Chủ tịch HÐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI nhận định: Tiêu chí để trở thành nước có thu nhập cao là GDP bình quân đầu người đạt hơn 12 nghìn USD/năm. Thời điểm năm 2020, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN. Ðể đạt mục tiêu mà Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đã vạch ra, cần có sự đổi mới quyết liệt về thể chế và sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. "Chìa khóa" để cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực là chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; khuyến khích DN tư nhân làm ra sản phẩm tốt, tạo việc làm, có đóng góp lớn cho xã hội.
Trong đề án Phát triển DNNN quy mô lớn, nhất là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp chủ trương, đường lối của Ðảng trong thời kỳ mới, Bộ KH và ÐT đề xuất lựa chọn bảy DNNN hoạt động trong năm lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế để gây dựng thành "sếu đầu đàn". Ðây là danh sách "mềm", nghĩa là có thể mở rộng và điều chỉnh, bổ sung theo nhóm ngành cần tập trung phát triển trong từng thời kỳ và quan điểm xuyên suốt là hướng vào những DN có công nghệ mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới, như công nghệ môi trường, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, công nghệ gien, công nghệ vật liệu, công nghiệp an ninh an toàn mạng,...
Trên cơ sở đó, sẽ thiết kế chính sách với định hướng đột phá để DN được chọn bứt tốc. Ðề án hiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, không chỉ vì nền kinh tế nào cũng cần những trụ cột, những DN giữ vai trò đầu tàu để mở đường cho các DN khác cùng phát triển theo mà còn vì trong quá khứ, Việt Nam từng mong muốn tạo nên những "quả đấm thép" thông qua hình thành những tổng công ty 90 - 91 nhưng không thành công. Về phía các DN thì đây là một tin vui, nhất là đối với những cái tên đang được đề xuất. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam cho biết, yêu cầu phát triển của đất nước đang đặt ra những nhiệm vụ mới cho ngành điện nhưng khó triển khai vì EVN đang vấp phải nhiều rào cản về cơ chế, chính sách, đặc biệt là DN không được quyền tự chủ kinh doanh. Riêng việc vay vốn đầu tư các công trình trọng điểm cũng đang bế tắc vì chưa rõ bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Công thương) hay cơ quan chủ quản (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN) có thẩm quyền quyết định,… nên chủ trương này thắp nên hy vọng một cơ chế đặc thù cho "sếu đầu đàn" sẽ đủ sức thúc đẩy, mở cửa cho sự phát triển của ngành điện chứ không phải "ban ơn" như nhiều người quan niệm.
Hình thành DN dẫn dắt
Trở lại câu chuyện của THACO, tập đoàn này đang bước vào giai đoạn đầu tư thứ tư, chuyển sang hoạt động theo mô hình kinh doanh đa ngành trên nền tảng giá trị DN được Forbes định giá 1,6 tỷ USD. Việc một tập đoàn định hướng phát triển công nghiệp ô-tô "rẽ ngang" sang làm nông nghiệp, thương mại, bất động sản vừa qua đã làm dấy lên nghi ngại của dư luận về mục tiêu kinh doanh cốt lõi. Song nhìn nhận khách quan, đây là sự vận động hết sức bình thường của DN tư nhân theo cơ chế thị trường và kết quả sẽ được chứng minh trong tương lai. Lúc này, THACO cần được mở rộng đầu tư rất lớn để vận hành chuỗi giá trị đang hình thành trên nền tảng cốt lõi là công nghiệp ô-tô. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Lê Trí Thanh cho biết, trong vài tuần tới, ông sẽ có cuộc làm việc với DN về vấn đề này. Quan điểm của tỉnh là đã đón được "sếu đầu đàn" thì phải làm sao để có cả đàn sếu bay theo. Ông Thanh hiểu rằng sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn nhiều so với chặng đường 20 năm trước và Quảng Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ DN hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Mục tiêu phát triển các DN hùng mạnh luôn gắn với quá trình xây dựng và thực thi chính sách công nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình cho Việt Nam học hỏi là sự trỗi dậy của các tài phiệt "Chaebol" (Hàn Quốc) hay "Zaibatsu" (Nhật Bản) những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Quá trình này được hiểu khái quát là lựa chọn ngành phù hợp hoàn cảnh kinh tế để có chính sách nuôi dưỡng, thúc đẩy hình thành những DN dẫn dắt, tạo sức lan tỏa và định hình nên những biểu tượng kinh tế của quốc gia. Song thế khó của Việt Nam khi hình thành "sếu đầu đàn" ở giai đoạn này là lựa chọn chính sách ưu đãi cho DN thế nào khi nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng, phải thực thi nhiều cam kết quốc tế về cạnh trạnh cũng như hạn chế sự hỗ trợ của Nhà nước. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Ðức Kiên cho rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, làm gì là do Nhà nước quyết định nhưng làm như thế nào lại do thị trường và DN quyết định. Nếu "khéo" điều hành để định hướng phát triển của Nhà nước trùng với mục tiêu của DN, cộng hưởng giữa chính sách vĩ mô và vi mô thì nền kinh tế sẽ bùng nổ, còn nếu ngược chiều thì sẽ triệt tiêu động lực phát triển. Thí dụ, nếu tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển đường sắt tốc độ cao, định hướng xây dựng đề án cần hướng đến mục tiêu Chính phủ là người tiêu dùng lớn nhất để xây dựng đặt hàng cho các DN trong nước.
Các DN sẽ tự đầu tư hoặc liên kết với nhau để hình thành năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của người mua hàng. Các DN tham gia sẽ đấu giá để người mua chọn được giá cạnh tranh nhất. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách tốt nhất để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn là hỗ trợ về thị trường. Nguồn lực được phân bổ theo nguyên tắc thị trường sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng đối với khu vực tư nhân, cộng hưởng những kết quả của quá trình cải cách, mở rộng quyền tự do kinh doanh hiện nay sẽ thúc đẩy DN tư nhân đầu tư lớn, dài hơi hơn vào khoa học - công nghệ và kinh tế số. Trong bối cảnh hiện nay, đã có những DN mấp mé ngưỡng của quốc gia và khu vực như Vinfast, THACO, Vinamilk, Hòa Phát,... Nhà nước phải xác định được DN cần gì, từ đó có chính sách hỗ trợ tạo cú huých cho họ vươn ra quốc tế để có dung lượng thị trường đủ lớn cho DN thiết lập chuỗi cung ứng, trở thành "sếu đầu đàn". Tuy nhiên, phải lưu ý xu thế trở thành độc quyền của các tập đoàn kinh tế bằng việc có cơ chế giám sát hiệu quả và ban hành Luật Chống độc quyền hoặc Luật Cạnh tranh để bảo vệ cạnh tranh tự do. Ðối với DNNN, nguyên tắc đầu tiên là trả lại quyền tự chủ kinh doanh, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng với DN tư nhân.
Sắp tới, DNNN còn phải gánh vác mục tiêu đầu tư vào những ngành nghề lĩnh vực đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giữ vai trò, vị trí nhất định trong chuyển đổi số của đất nước, thúc đẩy và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. "Các nghị quyết về kinh tế phải làm sâu sắc hơn trên nền tảng Văn kiện của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII theo nguyên tắc đột phá về thể chế trong phân bổ sử dụng nguồn lực để phát triển theo chiều ngang, chiều rộng của tất cả các ngành, lĩnh vực, khu vực, thành phần kinh tế, khơi dậy mọi nguồn lực của đất nước. Với cách làm như vậy, khả năng tăng trưởng 8 đến 9% trong 10 năm tới không phải là một thách thức đối với kinh tế Việt Nam", TS Nguyễn Ðình Cung khẳng định.
Qua trao đổi ý kiến với nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện một số DN và địa phương, tập đoàn, chúng tôi đồng tình với quan điểm, "sếu đầu đàn" không nên phân biệt thành phần kinh tế là DNNN hay tư nhân mà chỉ có chung một nguồn gốc là DN Việt Nam. Do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19, thế giới đang trong giai đoạn biến đổi chưa từng có, được ví như cuộc khủng hoảng mang tính sáng tạo, phá hủy cái cũ để hình thành cấu trúc mới mà ở đó, phần thưởng thuộc về những cái tên biết vượt khỏi khuôn khổ kinh doanh truyền thống như Tesla, Amazon, Facebook,...
Trong bối cảnh hiện nay, quyền lực của một tập đoàn lớn không chỉ dựa vào sức mạnh tài chính, đất đai mà là trí tuệ. Tư duy về phát triển DN sẽ phải đổi mới mạnh mẽ, nhất là đối với DN tư nhân. Do đó, "sếu đầu đàn" phải bao gồm cả những DN truyền thống đã có thời gian tích tụ tài chính và cả những DN đổi mới sáng tạo hoạt động trong những ngành nghề mới. Nền kinh tế tương lai sẽ rất khác, chưa ai hình dung hết được và việc xây dựng thể chế cho nền kinh tế ở không gian số, không gian mạng sẽ rất phức tạp, khác hẳn thể chế của nền kinh tế dựa vào nguồn lực vật thể. Sức mạnh của công nghệ số khi tích hợp với nền kinh tế thực sẽ làm thay đổi cấu trúc phát triển DN, từ đó làm thay đổi mạnh mẽ sức vóc của nền kinh tế.
TÔ HÀ, VIỆT HẢI và TẤN NGUYÊN
(Còn nữa)
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4 và 5-5.
Bốn điểm mấu chốt để đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân: Một là, đổi mới tư duy quản lý nhà nước, Nhà nước coi DN vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý. Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế phù hợp những yêu cầu của quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và bối cảnh của tình hình mới. Ba là, hệ thống luật pháp giữ vị trí trung tâm trong quá trình đổi mới quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt. Bốn là, đổi mới hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước trên tinh thần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường,…
NGUYỄN CHÍ DŨNG
Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư