Gặp người xây Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong lòng Đà Nẵng

NDO - NDĐT - Đã ba năm nay, người dân Đà Nẵng đã quen với hình ảnh Cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông, được đặt trang trọng trong khuôn viên Cơ sở sản xuất đá Xuất Ánh, hướng ra biển Đông, ngay trên con đường biển Hoàng Sa - Trường Sa đẹp nhất thành phố.

Cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông trong lòng Đà Nẵng

Cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông được ông Trần Văn Xuất, sinh năm 1964, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ 15A phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), Phó Ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng xây dựng mô phỏng theo nguyên bản Cộc mốc chủ quyền tại Đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Từ tò mò, dò hỏi đến ngạc nhiên là cảm giác chung của những ai từng đến Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và ghé thăm Cột mốc này. Có không ít người khi thấy ông bỏ công bỏ sức ra xây dựng công trình này đã nói ông bị “khùng”, “gàn”, “điên”, “khoe khoang”…

“Tôi thì không sao, nhưng khi những lời nói không hay đó đến tai vợ con, cả nhà cứ như ngồi trên đống lửa. Tôi đã tìm cách trấn an gia đình, rồi cũng phần nào tìm cơ hội để được giải thích mục đích xây dựng Cột mốc chủ quyền của mình. Đến giờ thì mọi người đã hiểu, còn bản thân tôi đang chạy đua với thời gian để trong khả năng của mình, cố gắng giúp đỡ anh em, đồng đội được bao nhiêu, hay bấy nhiêu”, ông tâm sự.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân vùng biển Hòa Hải, tuổi thơ của ông là những tháng năm theo cha dong thuyền ra khơi đánh cá. Lớn lên, cùng với nhiều thanh niên khác trong địa phương, tháng 6-1984, ông lên đường nhập ngũ, đóng quân trên đảo Trường Sa Đông, thuộc Lữ đoàn 146, Trường Sa, Khánh Hòa với chức vụ tiểu đội trưởng DKZ75. Đến tháng 5-1987, ông xuất ngũ về lại địa phương.

Những năm tháng cùng anh em, đồng đội sống và giữ gìn, bảo vệ đảo Trường Sa Đông, đó là những năm tháng đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời ông. Bởi ông nói rằng, giờ đây, không ai sống được hai lần cho tuổi trẻ. “Hồi đó, anh em trong đơn vị chúng tôi buổi sáng vác đá làm đê chắn sóng cho đảo, buổi chiều luyện tập quân sự. Kỷ niệm đáng nhớ và ghi vào tâm trí tôi là vào tháng 8-1985, hôm ấy, trong đơn vị có một đồng chí bị đau ruột thừa phải mổ gấp. Trong khi đó phương tiện tàu lớn không có, may có một tàu đang ở đảo An Bang ghé qua. Lúc đó, sóng to gió lớn nên tàu lớn không thể bỏ neo, chúng tôi đã dùng xuồng không máy để đưa đồng chí ấy lên tàu lớn. Nhưng từ lúc 9 giờ sáng mà mãi tới 15 giờ chiều mới đưa được. Thú thật, cả đơn vị đều nghĩ đồng chí ấy không thể qua khỏi…”. Ông rưng rưng nhớ lại.

Nhưng điều kỳ diệu vẫn luôn luôn đến với mỗi người trong cuộc đời này. Năm 2010, sau 24 năm, trong hành trình đi tìm lại đồng đội cũ của mình, ông Xuất đã gặp được người đồng đội ấy đang sống cùng gia đình ở Đác Lắc. Qua bạn bè, đồng đội cũ, ông đã tìm về Phú Yên, quê của đồng đội Lẹm và biết Lẹm đã đưa vợ con lên Đác Lắc làm kinh tế mới. Ông tìm đến tận nhà, mừng vui không thể nói và cũng buồn xiết bao khi thấy bạn giờ không thể làm được việc gì vì đã qua ba lần mổ ruột thừa, gia đình lại rất khó khăn. Đây là người đồng đội cuối cùng trong đơn vị mà ông tìm thấy sau 24 năm rời quân ngũ.

Nói về việc tự bỏ kinh phí hơn 200 triệu đồng để xây Cột mốc thiêng liêng này, ông cho biết: “Mục đích của tôi khi xây dựng cột mốc chủ quyền này là để tìm lại đồng đội cũ và thể hiện tấm lòng của một người lính từng có nhiều năm tháng công tác ở đảo Trường Sa. Đối với những ai chưa từng có điều kiện đến đảo Trường Sa, thì khi đến Đà Nẵng, nhìn thấy cột mốc này, cũng sẽ ý thức được việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là Trường Sa - Hoàng Sa”.

Cột mốc được xây dựng năm 2009, theo nguyên bản cột mốc ở ngoài đảo Trường Sa Đông với chiều cao 6m, rộng 1,5m. Hai bên của cột mốc được trồng hai cây bàng vuông do hai người bạn mang về từ đảo Trường Sa lớn về đất liền tặng ông. Cột mốc nằm hiên ngang giữa không gian thanh bình của bầu trời Đà Nẵng. Giữa vườn tượng đá Non nước với hàng ngàn sản phẩm đá mỹ nghệ được làm nên từ bàn tay tài hoa của bao người nghệ nhân đá.

Ông nói, năm 2005, ông bắt đầu hành trình tìm lại đồng đội cũ. Đến năm 2009, khi vẫn còn sáu đồng chí chưa tìm thấy, ông nghĩ ra việc phải xây dựng cột mốc này. Phần vì biết đâu, có duyên thì rồi sẽ quy tụ lại được 31 người lính ngày đó trên đảo Trường Sa Đông. Mà rồi có duyên thật, khi đến năm 2011, ông đã nhớ lại những mẩu chuyện, những tâm sự mà anh em từng chia sẻ khi còn ở đảo Trường Sa Đông để làm đầu mối tìm lại địa chỉ của từng đồng đội cũ. Nhờ thế, ông tìm và liên lạc được với cả 31 người trong đơn vị. Cũng tại Cột mốc này, ông đã tổ chức gặp mặt đồng đội cũ từ Bắc chí Nam. “Đến khi anh em về đây gặp mặt, cả gia đình tôi mới hiểu được ý nghĩa của công việc thầm lặng tôi đã làm bao năm qua. Tôi cũng hạnh phúc vì đã nhận được sự sẻ chia sâu sắc từ vợ các các con”, ông Xuất chia sẻ.

Một tấm lòng thơm thảo

“Cuộc đời người lính rất khổ. Nhưng phẩm chất can trường của một anh bộ đội Cụ Hồ thì mãi mãi không bao giờ thay đổi. Điều tôi trăn trở lớn nhất bây giờ là sau khi đã tìm lại được anh em, đồng đội, biết được cuộc sống của họ còn vất vả, khó khăn. Tôi muốn làm một điều gì đó giúp đỡ họ”. Ông tâm sự thế khi nghĩ về những đồng đội cũ, những cựu chiến binh không may mắn trong cuộc sống. Hiện nay, cơ sở đá Xuất Ánh của ông là một trong những doanh nghiệp lớn, làm ăn có hiệu quả của quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng với nhiều sản phẩm đá được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Dù bận việc kinh doanh, ông vẫn luôn dành dụm cả tiền bạc và thời gian để thực hiện ước nguyện giúp đồng đội cũ của mình. Hiện tại cơ sở của ông có hơn một trăm công nhân đang làm việc, trong đó có hơn 70% là cựu chiến binh, con em cựu chiến binh với thu nhập bình quân bốn triệu đồng/tháng. Ông cũng tự vận động thành lập các Chi hội cựu chiến binh Trường Sa Đông tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để thuận tiện trong liên lạc và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

“Năm 2005, khi tôi có ý định đi tìm lại đồng đội cũ, vợ tôi rất buồn. Vì hằng ngày, khi thu xếp xong công việc, tôi lại lục tìm trong trí nhớ của mình, rồi cứ thế lên xe đi thẳng ra Thái Bình, hoặc vào Phú Yên, Nha Trang…Bất thần đi, bất thần về, nhiều khi ở nhà công việc một mình vợ tôi quán xuyến. Bây giờ, vợ lại là người ủng hộ tôi nhiều nhất, vì cô ấy hiểu, đời người lính, ngoài gia đình, không có gì quý hơn những người đồng đội cũ”, ông Xuất chia sẻ.

Xuất phát từ tấm lòng của một người lính “may mắn hơn người” - cách ông nói về mình - tháng 2-2012, ông đã đài thọ toàn bộ chi phí tàu xe cho anh em được gặp gỡ, hội ngộ sau bao năm xa cách tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Và hơn nữa, ông đã trợ giúp anh em, đồng đội cũ mỗi gia đình từ 7 đến 10 triệu đồng để sữa chữa lại nhà cửa…Anh em đồng đội cũ khi gặp lại cứ gọi ông là “thủ trưởng” vì nhờ ông mà họ đã được tìm lại được nhau, cùng chia sẻ bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường.

Việc ông xây dựng cột mốc để làm “tín hiệu” tìm lại đồng đội, đã vượt ra ngoài ý nghĩa đó, để bây giờ cột mốc này như một điểm đến đầy tự hào của mỗi người dân Đà Nẵng cũng như du khách khi ngang qua đây. Hàng ngày có hàng trăm lượt du khánh trong và ngoài nước khi đến Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đều ghé thăm cơ sở sản xuất đá Xuất Ánh, chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc. Nhiều em học sinh Đà Nẵng đã có những chuyến dã ngoại, tham quan tại đây, như để hiểu thêm về lịch sử dân tộc với niềm tự hào về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Ông nói rằng, bây giờ không còn nhiều thời gian nên cố gắng để thực hiện bằng được niềm đau đau bấy lâu về cuộc sống khó khăn của anh em đồng đội. Ông yêu nhất bài hát Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long, mỗi chiều khi công việc đã tạm ổn, ông lại lang thang trước biển, hướng về khơi xa và nhẩm theo lời hát. Như lặng yên giữa cuộc đời này một tấm lòng thảo thơm, đáng mến…