Ngày 15/12, tại Hà Nội, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương vừa tổ chức gặp mặt, giao lưu các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2023.
Những năm qua, Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống người dân, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao đã có tiến bộ rõ rệt trong công tác giảm nghèo; các dịch vụ cơ bản cho người dân được hưởng thụ như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin, vay vốn, ưu đãi được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ người dân, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi và khởi sắc.
Công tác an sinh, chăm lo đời sống cho người nghèo tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là một số tỉnh đã có sự quan tâm lớn, có hiệu quả để người dân được vay vốn, chủ động sản xuất, làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Phong trào thi đua đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đóng góp cho những thành tựu giảm nghèo nổi bật của Việt Nam thời gian qua, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giảm nghèo bền vững, ghi nhận, cổ vũ, động viên, khích lệ sự quan tâm vào cuộc và phát huy trách nhiệm của người dân cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo và vì người nghèo, ngày 2/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 666/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua: “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.
Phong trào thi đua được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến cấp cơ sở với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả phù hợp điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ sở; phát huy được sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân.
Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua giảm nghèo, thoát nghèo, vươn lên làm giàu… được phát hiện, nhân rộng góp phần hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước.
Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%). Ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Dự kiến cuối năm 2023, thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025.
Ngày 31/8/2022, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương ban hành Hướng dẫn 2357/HD-BTĐKT khen thưởng thành tích đối với các tập thể, cá nhân, hộ gia đình trong Phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đã có hàng trăm mô hình điển hình tiên tiến được giới thiệu, trong đó nổi bật là 30 mô hình, điển hình tiêu biểu. Điều đó cho thấy hiệu quả của phong trào thi đua, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, vai trò của các tổ chức hội, nhất là ý chí vươn lên của người nghèo, người dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Tại buổi giao lưu, các đại biểu chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị, truyền cảm hứng về tấm gương nỗ lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thực hiện, về xây dựng mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Tiêu biểu như các ban, ngành, đoàn thể huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác giảm nghèo như giúp đỡ theo phương châm "cần gì giúp nấy"; mỗi hộ nghèo phải nhận được trợ giúp của một tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Nhờ vậy, đời sống của bà con nhân dân trong huyện đang đổi thay từng.
Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre có “Mô hình 5+1 giúp nhau giảm nghèo, xóa nghèo, vươn lên khá, giàu”. “5+1” nghĩa là 5 cựu chiến binh khá, giàu giúp 1 cựu chiến binh nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 5.000 hội viên cựu chiến binh ở hầu hết khắp các chi hội, phân hội ở ấp và khu phố tự nguyện tham gia.
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình với mô hình “Biến rác thải thành tiền”, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời giúp hội xây dựng được nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động giảm nghèo, nhân đạo từ thiện.
Ông Triệu Văn Hòn (dân tộc Sán Chỉ), thôn Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, là người tiên phong trồng và sản xuất tinh dầu cây sả Java. Với trách nhiệm của một trưởng thôn, ông đã vận động 124/154 hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình trồng cây sả.
Nhờ hướng đi mới này, thu nhập hộ gia đình bình quân 50-100 triệu đồng/năm, đời sống của bà con trong thôn cũng dần được cải thiện. Năm 2023, ông là một trong 150 đại biểu có uy tín tiêu biểu, xuất sắc dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Nguyễn Trung Kiên, xóm Nội, xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình là Chủ nhiệm Hợp tác xã Độc lập với sản phẩm “Trà bí đao túi lọc Hòa Bình” đạt giải Nhì trong cuộc thi “Thanh niên khởi nghiệp” do Tỉnh Đoàn Hòa Bình tổ chức và dòng sản phẩm của thương hiệu “Ethnic Farm-Nâng tầm nông sản vùng dân tộc thiểu số” mang nhiều ý nghĩa nhân văn, mỗi sản phẩm được bán ra sẽ trích lại 1.000 đồng đóng góp vào quỹ khuyến học của địa phương.