Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát động, triển khai Cuộc vận động "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo". Ðây là chủ trương, giải pháp lớn, mang nhiều ý nghĩa để sớm hạ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh xuống mức thấp nhất; thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Sơn Thủy (huyện A Lưới).
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Sơn Thủy (huyện A Lưới).

Cuộc vận động nêu trên của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã trở thành phong trào sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh. Ðặc biệt, tại huyện miền núi A Lưới - nơi còn tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, thông qua cuộc vận động đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, người có uy tín, trưởng thôn.

Tại huyện A Lưới, cuộc vận động đã được chuyển hóa thành những phong trào thiết thực, lan tỏa trong đời sống và văn hóa của người dân nơi vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, bộ mặt làng, bản, thôn xóm dần đổi thay.

Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng cho biết, phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" được Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện đặc biệt quan tâm, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, nhất là vai trò của trưởng họ, trưởng thôn, trưởng xóm, người có uy tín trong cộng đồng về thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Thông qua phong trào, các địa phương đã nâng cao vai trò các già làng, trưởng họ, coi họ như "cánh tay nối dài" trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ở địa bàn miền núi, vùng biên giới của Thừa Thiên Huế.

Tại xã Sơn Thủy, công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và người dân xã quan tâm vào cuộc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Thủy Lê Anh Chiến cho biết, Ðại hội Ðảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với giảm nghèo bền vững là chương trình trọng điểm của xã. Vì vậy, những năm qua, Sơn Thủy đã đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực, năm 2022 kinh tế-xã hội đạt 13/13 chỉ tiêu, quốc phòng, an ninh bảo đảm ổn định, hộ nghèo năm 2021 có 17,47% giảm còn 8,91%, phấn đấu đến năm 2025 giảm còn 1,79%.

"Ðịa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy nội lực của các dòng họ, thôn, xóm, người có uy tín chung tay cùng cấp ủy, chính quyền động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các gia đình trong dòng họ, thôn, xóm nỗ lực vươn lên thoát nghèo thông qua đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế, phương tiện làm ăn, vốn vay để phát triển kinh tế. Phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và phong trào xây dựng Sơn Thủy xanh-sạch-sáng", đồng chí Chiến nói.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" được lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, các phong trào "Làng, bản không ma túy", "Ngày chủ nhật xanh", "Tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp-trật tự trị an"... có khoảng 38.590 lượt cán bộ, đảng viên, học sinh và người dân hưởng ứng tham gia.

"Ngoài kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện ba chương trình lớn, thông qua các kênh Mặt trận, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… đã kêu gọi hỗ trợ được 16 tỷ đồng để xóa nhà tạm, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt cho người nghèo. Huyện giao cho các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đỡ đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo hơn 25%", đồng chí Hùng cho biết.

Ðiểm nổi bật của phong trào tại các địa phương là, đã phát huy vai trò của trưởng họ, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng gương mẫu, nòng cốt đi đầu. Già làng Hồ Văn Hạnh, ở xã Trung Sơn chia sẻ: Chúng tôi luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của người trưởng họ, trưởng tộc để vận động người dân trong thôn, bản xây dựng nông thôn mới. Tuy khó khăn, nhưng vì trách nhiệm chung, chúng tôi vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng xây dựng đường bê-tông nông thôn giữa các làng với nhau; phát triển kinh tế gia đình, cố gắng vươn lên thoát nghèo, bỏ dần các hủ tục, mê tín, dị đoan. Ðây là nỗ lực rất lớn của người có uy tín trong các dòng tộc, dòng họ.

Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo ảnh 1

Nông dân xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) trồng tiêu, thanh long ruột đỏ - một mô hình giảm nghèo tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ðến cuối năm 2022 thu nhập bình quân đầu người ở A Lưới đạt 30,63 triệu đồng/người/năm, tăng 5,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 38,2%. Huyện đã xóa được hơn 1.000 nhà tạm trên tổng số 3.995 nhà tạm. Ðến cuối năm 2023, huyện sẽ tiếp tục xóa khoảng 1.600 ngôi nhà tạm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% vào cuối năm (tương ứng giảm 12,08%, từ 5.399 hộ nghèo hiện nay xuống còn 3.691 hộ).

Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" cho thấy đây là chủ trương lớn, mang nhiều ý nghĩa, nhằm sớm giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xuống mức thấp nhất; đưa A Lưới ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh, mục đích chính của cuộc vận động này là thay đổi cách làm ăn và suy nghĩ của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, nâng cao trách nhiệm bản làng, dòng họ, người có uy tín trong việc động viên con em tự vươn lên thoát nghèo. Phong trào kích thích thi đua sản xuất vượt khó vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ; tạo thi đua giữa các làng, bản, dòng họ để khơi dậy lòng tự tôn, tự ái trong mỗi người dân.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài cho biết, các dòng họ, dòng tộc, làng, bản và người dân toàn tỉnh tích cực tham gia và đạt những kết quả quan trọng; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, 100% dòng họ, dòng tộc của các địa phương cam kết không phát sinh hộ nghèo trong dòng họ, dòng tộc. Có 9/9 huyện, thị xã và thành phố Huế với 131/141 xã, phường, thị trấn đã phát động phong trào nêu trên.

Phong trào đã góp phần kéo giảm hộ nghèo toàn tỉnh từ 4,93% cuối năm 2021 xuống còn 3,56% cuối năm 2022 và phấn đấu hết năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,79%, đủ điều kiện để đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo của cả nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Số hộ nghèo toàn tỉnh giảm hằng năm nhưng vẫn còn ở mức cao. Ðến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 11.735 hộ nghèo; trong đó, có 3.949 hộ nghèo không có khả năng lao động (chiếm tỷ lệ 3,56%), còn 2.518 nhà cần xây mới và sửa chữa. Công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, còn nguy cơ tái nghèo.

Ðồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng: "Các trưởng họ, trưởng tộc, người có uy tín là những người gương mẫu, cốt cán đi đầu thực hiện các phong trào của địa phương, là người "giữ lửa" ở các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố; là những tuyên truyền viên tích cực trong thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước"