Dỡ bỏ “bức tường tài chính khí hậu”
“Âm thanh chúng ta đang nghe là tiếng tích tắc của đồng hồ. Thế giới đang trong giai đoạn đếm ngược cuối cùng để kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C. Thời gian không đứng về phía chúng ta”. Đây là lời cảnh báo của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại vòng đàm phán khí hậu toàn cầu mới nhất, vừa được khởi động tại Baku.
Ngay trong phiên khai mạc COP29, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố Bản cập nhật tình hình khí hậu năm 2024 kèm theo “cảnh báo đỏ” về tốc độ nhanh chóng của biến đổi khí hậu do lượng khí nhà kính tăng cao. Theo đó, giai đoạn 2015-2024 đánh dấu thập niên nóng nhất trong lịch sử; trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2024, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã cao hơn 1,54 độ C so mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp.
Báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu do 80 tổ chức phối hợp thực hiện cũng cho hay, lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới lên mức cao kỷ lục mới. Trong đó, khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch chiếm phần lớn. Với thực tế này, thế giới có thể bỏ lỡ mục tiêu của Thỏa thuận Paris về kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C.
Về định hướng hành động mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh tính cấp thiết hàng đầu của vấn đề tài trợ, khẳng định việc đặt ra mục tiêu tài chính khí hậu mới có ý nghĩa quan trọng với mọi quốc gia, gồm cả những nước giàu, nước lớn. Ông Guterres kêu gọi tất cả các nước thực hiện cam kết và các nước phát triển tăng gấp đôi mức tài trợ cho hành động thích ứng biến đổi khí hậu từ năm 2025.
Năm 2009, các nước phát triển đưa ra cam kết tài trợ 100 tỷ USD/năm và hết hạn vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, số tiền này không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Các nước đang phát triển thậm chí kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD và chủ yếu dưới dạng viện trợ không hoàn lại, thay vì các khoản cho vay.
Theo lãnh đạo LHQ, cam kết về tài chính khí hậu không phải là hoạt động từ thiện, mà là khoản đầu tư; hành động khí hậu không phải là sự lựa chọn, mà là mệnh lệnh. Vì thế, COP29 phải phá bỏ “bức tường tài chính khí hậu” đang cản trở những mục tiêu và cam kết mới.
Bước đột phá cho thị trường carbon
Vòng đàm phán khí hậu tại Baku đã có kết quả tích cực đầu tiên khi đạt được thỏa thuận kỹ thuật, tạo nền tảng quan trọng để khởi động thị trường carbon toàn cầu do LHQ hậu thuẫn, nhằm tài trợ hàng tỷ USD cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại COP29, gần 200 quốc gia đã thông qua tiêu chuẩn mới về “tín dụng carbon”, mở đường cho một thị trường carbon toàn cầu hoàn chỉnh được hiện thực hóa trong tương lai gần.Ca ngợi đây là “bước đột phá quan trọng”, song Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cho rằng vẫn cần thêm nỗ lực. Các quy tắc cơ bản đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, nhưng một số vấn đề quan trọng khác còn cần được tiếp tục đàm phán, trong đó có vấn đề quản trị và biện pháp bảo vệ.
Được LHQ thúc đẩy xây dựng trong nhiều năm qua, hệ thống “tín dụng carbon” cho phép các quốc gia, doanh nghiệp chi trả cho các dự án giảm hoặc loại bỏ CO2 và để bù đắp cho lượng khí thải của quốc gia, doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng carbon tự nguyện gặp khó khăn do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải.
Với thỏa thuận về quy tắc, tiêu chuẩn của tín dụng carbon vừa đạt được tại COP29, thị trường carbon được kỳ vọng đi vào hoạt động trong năm 2025. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động về khí hậu vẫn nhắc nhở rằng, điều quan trọng và cấp thiết là giảm lượng khí thải trên thực tế.