Gánh nặng chi phí, da giày gặp khó

NDO -

Dù vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp song doanh nghiệp da giày đang phải đối diện với vô vàn khó khăn như chi phí tăng cao, giá gia công bị ép giảm, thiếu lao động, sản xuất không lợi nhuận, thậm chí lỗ… Ngành hàng 22 tỷ USD này đang cần nhiều hơn sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp da giày đang chịu nhiều chi phí sản xuất.
Doanh nghiệp da giày đang chịu nhiều chi phí sản xuất.

Gánh nặng chi phí

Thiếu lao động là nỗi lo thường trực của không ít doanh nghiệp da giày trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù đã có đơn hàng từ nay đến cuối năm, song Công ty CP Tập đoàn Gia Định đang không biết xoay xở ra sao khi không có nguồn lao động kỹ thuật cao. Hiện nay, lao động của nhà máy chỉ còn khoảng 70%, do đó công suất nhà máy hiện cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60%.

Cùng với việc thiếu nhân công, hiện giá nhân công sản xuất các sản phẩm da giày cũng đang tăng cao, ở mức 171 USD/tháng đối với vùng 1 và 151 USD đối với vùng 2. Trong khi đó, tại Indonesia, giá nhân công chỉ khoảng 100 USD, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh giá nhân công giao động ở mức từ 81-95 USD. Chưa kể, chi phí logistics không ngừng tăng cao từ năm 2020 đến nay, cộng với tình trạng thiếu container rỗng tiếp tục là một gánh nặng lớn đổ lên vai doanh nghiệp.

Thực trạng ở Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định là thực trạng chung của không ít doanh nghiệp ngành da giày. Trong nửa đầu năm 2021, da giày là một trong những ngành hiếm hoi ổn định được sản xuất, sản phẩm tăng 11,4% so cùng kỳ. Song chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp sản xuất hầu như không có hoặc lợi nhuận rất thấp.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chỉ rõ, doanh nghiệp đang chịu nhiều chi phí phát sinh và chi phí đầu vào tăng quá cao. Theo đó, doanh nghiệp phải sản xuất trong điều kiện giãn cách, chỉ đạt khoảng 50% công suất, hiệu quả đạt được rất thấp. Hơn nữa, chi phí cho phòng, chống dịch cũng rất lớn. Thí dụ, một doanh nghiệp khoảng 9.000 công nhân, số tiền mua dụng cụ test, trang bị đồ phòng hộ… cho cán bộ, công nhân trong khoảng hai tháng mất tới 1 triệu USD.

Đồng thời, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần), chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây khó khăn cho xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp lo ngại chi phí còn tăng trong các tháng cuối năm do Cảng Hải Phòng áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển với các mức cao.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào đã tăng từ 5-10%, đặc biệt là chi phí mua nguyên phụ liệu. Thời điểm dịch bùng phát ở Trung Quốc, phải thay đổi nguồn cung nguyên phụ liệu, chí phí đã tăng. Nay nguồn cung từ thị trường Trung Quốc đã hồi phục nhưng chi phí vẫn không hề giảm đi do phí vận chuyển tăng chóng mặt.

“Chi phí đầu vào tăng nhưng giá gia công không tăng, thậm chí bị ép giảm khiến doanh nghiệp sản xuất da giày trong nước đang rất khó khăn. Trước đây, doanh nghiệp nhận đơn hàng không tính đến chuyện lãi, chỉ để duy trì lao động, nhưng giờ nhận đơn hàng là phải chịu lỗ”, bà Phan Thị Thanh Xuân chỉ rõ.

Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn

Do nhu cầu thế giới hồi phục, nên hiện nay hầu hết doanh nghiệp da giày đã có đơn hàng đến hết  năm. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của doanh nghiệp là làm sao sớm kiểm soát được dịch để bảo đảm an toàn sản xuất trong nước.

Bà Phan Thị Thanh Xuân chỉ rõ, nếu không kiểm soát được dịch bệnh, nguy cơ các đơn hàng dịch chuyển ra khỏi Việt Nam rất lớn. Trung Quốc hiện cơ bản đã khống chế được dịch, lại là nước có đủ năng lực sản xuất để gánh được cả phần của các quốc gia khác. Hơn nữa, các nhãn hàng lớn đều đặt nhà máy sản xuất tại nhiều quốc gia trong trường hợp bất lợi sẽ di chuyển đơn hàng rất nhanh.

“Nếu đứt gẫy chuỗi cung ở Việt Nam thì sẽ rất khó khôi phục. Do vậy, đảm bảo an toàn cho sản xuất là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay để bảo đảm được tăng trưởng xuất khẩu cho ngành không chỉ trong năm nay mà còn cho cả nhiều năm tới”, bà Xuân nói.

Để trợ sức cho doanh nghiệp da giày trong nước duy trì được tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, mới đây, nhiều hiệp hội ngành hàng, trong đó có Lefaso đã kiến nghị lên Chính phủ về những bất cập trong thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Nghị định 18).

Cụ thể, nếu như trước đây, nhập khẩu tại chỗ vẫn được miễn thuế thì theo Nghị định 18 hoạt động này phải nộp thuế và chỉ được hoàn thuế khi chứng minh hàng hoá đã xuất khẩu. Quy định này không khuyến khích sản xuất trong nước bởi nhập khẩu từ nước ngoài được miễn thuế ngay trong khi mua trong nước sản xuất cho xuất khẩu lại phải đóng thuế.

Mặt khác, doanh nghiệp liên tục phải sản xuất, đồng nghĩa liên tục phải ứng vốn để đóng thuế, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Theo tính toán, có những doanh nghiệp mỗi tuần phải ứng vài tỷ đồng, sau đó lại mất thời gian đi làm thủ tục hoàn thuế.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đang dự kiến thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí hạ tầng cảng biển) cũng khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí.

Do đó, bà Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn Nhà nước có giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm giảm chi phí logistics và giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển. Ngoài ra, mong Chính phủ sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là với một số quy định mới như yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu tại chỗ phải đóng thuế nhập khẩu mới được làm thủ tục nhận hàng và làm thủ tục hoàn thuế nếu sản phẩm được xuất khẩu; hay phải thực hiện thêm nhiều thủ tục hành chính làm cản trở đến quá trình cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất...”.

Đặc biệt, các doanh nghiệp da giày cũng mong muốn sớm được tiếp cận với nguồn vaccine phòng Covid-19 cho người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung để duy trì lực lượng sản xuất.