Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động

Trong những năm gần đây, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến, đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Hình thức, quy mô và chất lượng đào tạo, bảo đảm cung cấp nhân lực có chất lượng không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Có được kết quả này là do các cơ sở GDNN đã chủ động tập trung nguồn lực, không ngừng đổi mới nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bắt kịp xu thế và sự thay đổi của xã hội. Công tác phối hợp giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp được triển khai tích cực.

Từ năm 2021 đến nay các cơ sở GDNN đã hợp tác với gần 3.000 lượt doanh nghiệp để đưa 104.053 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; 1.705 doanh nghiệp tuyển dụng 397.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; 1.301 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với 328.063 học sinh, sinh viên….

Trong 8 tháng đầu năm 2024, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh, đào tạo 180.240 người (đạt 76,7% kế hoạch đề ra). Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70-80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô-tô, công nghệ ô-tô, tự động hóa...

Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hằng năm, đạt từ 71,1% năm 2021 lên 73,23% năm 2023 (tăng 1,13%). Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 50,2% năm 2021 lên 52,53% năm 2023 (tăng 2,33%).

Tuy nhiên, công tác GDNN của thành phố vẫn gặp khó khăn do tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Để khắc phục điều này, thành phố cần triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có kế hoạch kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới các cơ sở GDNN, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp.